VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Thùng máy và bộ nguồn - quan trọng hơn chúng ta tưởng


Thùng máy (vỏ máy, case) và bộ nguồn (power supply unit) tuy không đóng góp trực tiếp vào sức mạnh xử lý của một hệ thống, nhưng chúng lại quyết định đến sự ổn định của toàn hệ thống cũng như tuổi thọ của các thiết bị phần cứng chứa đựng bên trong máy.

¡ BỘ NGUỒN

Bộ nguồn là thiết bị cung cấp năng lượng hoạt động cho toàn hệ thống. Nếu bạn dự định sở hữu một hệ thống với hàng loạt công nghệ mới như CPU Core 2 Duo hay Dual Core, RAM Dual Channel, đĩa cứng RAID, đồ họa SLI/CrossFire, DVD-RW... thì bộ nguồn lại càng quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó quyết định sự ổn định của hệ thống và tuổi thọ của các thiết bị phần cứng khác. Đối với một cấu hình “hút điện” như vậy, bạn cần phải trang bị những bộ nguồn có công suất thực ít nhất phải từ 430 W trở lên. Bạn cần chú ý là công suất ghi trên nhãn các bộ nguồn “không tên” (noname -  thường bán kèm theo thùng máy), không phải là công suất thực, đó là công suất “danh định” và con số này thường được ghi cao hơn rất nhiều so với công suất thực mà bộ nguồn đó có thể cung cấp. Vì thế bạn chỉ nên sử dụng những bộ nguồn không tên cho một cấu hình máy trung bình hoặc dưới trung bình vì lý do tiết kiệm thôi, còn đối với cấu hình máy mạnh, bạn nên đầu tư một bộ nguồn chất lượng tốt để đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định và lâu dài.

— Một bộ nguồn tốt phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

1. Có điện áp ra ổn định, không trồi sụt: mức điện thế dao động chỉ trong khoảng trên dưới 5% so với điện thế chuẩn của nó. Để kiểm tra điện thế này bạn có thể dùng tiện ích đọc số đo qua bộ cảm biến của BIOS như Sisoftware Sandra 2007 (thẻ Benchmarks mục Power Management Efficiency). Người xài máy tính chuyên nghiệp và có kiến thức cơ bản về điện - điện tử có thể kiểm tra điện thế trực tiếp tại các đầu cắm điện trong máy tính bằng đồng hồ đo điện Digital Multimeter.

2. Có hiệu suất cao, ít toả nhiệt: nếu bộ nguồn sử dụng 450 W(AC in) để cho ra 270 W(DC out) thì ta nói hiệu suất làm việc của bộ nguồn đó là 60%, 40% còn lại tương đương 180 W sẽ chuyển thành dạng nhiệt và khiến cho hệ thống bạn nóng hơn bình thường. Bộ nguồn tốt thường đạt hiệu suất khoảng 80% và ít tỏa nhiệt.

3. Có đầy đủ các chế độ bảo vệ an toàn cho hệ thống, quan trọng hơn hết là 2 chế độ sau:

- Bảo vệ quá áp: bộ nguồn sẽ tự ngưng hoạt động khi điện thế ở các đường cấp điện tăng cao đột ngột (có thể do bộ nắn điện và ổn áp của bộ nguồn có sự cố gây ra).

- Bảo vệ chạm tải: bộ nguồn sẽ ngưng hoạt động để chống ngắn mạch (short circuit), chập chạm các thiết bị bên trong máy, hạn chế tối đa cháy nổ. Đối với một bộ nguồn có chất lượng tốt, chế độ bảo vệ chạm tải có trên tất cả các đường điện chính. Còn với các bộ nguồn rẻ tiền, chế độ bảo vệ này thường chỉ có trên một hoặc hai đường điện chính, thậm chí đôi khi không có.

4. Có công suất hiệu dụng đủ lớn: để cung cấp liên tục cho hệ thống và có khả năng chịu tải overload (khi máy tính thực hiện công việc với áp lực lớn và liên tục).

5. Có hệ thống giải nhiệt tốt: khi bộ nguồn quá nóng nó sẽ ngưng hoạt động để tự bảo vệ cho nó và hệ thống. Để giải nhiệt, bộ nguồn thường sử dụng quạt loại 80 mm hay 120 mm, có thể kết hợp 2 quạt (1 cái hút vào, 1 cái thổi ra) hoặc sử dụng phương pháp tản nhiệt bằng các khối kim loại lớn.

6. Ít tiếng ồn: một điều mà các nhà sản xuất thường đau đầu là làm sao giảm tiếng ồn (do quạt hoạt động với tốc độ chóng mặt trên dưới 3000 vòng/phút). Bộ nguồn tốt có độ ồn chấp nhận được là khoảng 25 dB.

— Một số vấn đề cần quan tâm khi chọn mua bộ nguồn:

1. Chuẩn ATX: phổ biến hiện nay là chuẩn ATX 1.3 và 2x.

ATX 1.3 chỉ có một đường 12 V, điện chính là đường 5 V, có các đầu cấp nguồn cho ổ đĩa mềm và đĩa cứng ATA, điều cần lưu ý là hiệu suất của chuẩn này rất thấp, khoảng 60% vì vậy chỉ thích hợp cho các dòng máy tính cũ dưới mức trung bình.

ATX 2x có đường điện chính là đường 12 V (một số nguồn đắt tiền có 2 đường 12 V), trang bị đầu cấp nguồn ổ đĩa mềm, ATA, SATA, PCIe, hiệu suất của chuẩn ATX 2.x thường đạt trên 70%, một số bộ nguồn cao cấp có thể lên tới 80%, cá biệt có thể lên tới 85%. Chuẩn này đang phổ biến trên thị trường, thích hợp và cần thiết cho một cấu hình máy trung bình tại thời điểm hiện nay.

2. Các đầu cấp nguồn: các loại mainboard mới hiện nay đều sử dụng các đầu cấp nguồn chính có 24 chân, nếu bạn xài mainboard cũ mà mua thay thì chỉ cần mua loại có đầu cấp nguồn chính 20 chân là được rồi. Bạn nên trang bị bộ nguồn có càng nhiều đầu cấp nguồn càng tốt (ví dụ như 6 đầu cấp nguồn ATA, 4 SATA, 2 PCIe) để tiện việc nâng cấp gắn thêm thiết bị sau này.

3. Passive và Active Power Factor Corrected: đây là tính năng cao cấp của bộ nguồn, những bộ nguồn này thường rất đắt tiền nhưng nó mang lại cho người dùng những cái lợi sau: công suất, chất lượng và độ ổn định của dòng điện cao hơn (Active PFC cao cấp hơn Passive PFC), triệt tiêu nhiễu và từ trường do dòng điện phản hồi từ các thiết bị tiêu thụ điện trong máy sinh ra và nếu bạn xài UPS thì thời gian lưu điện lâu hơn và an toàn hơn khi bộ nguồn có Active PFC.

4. Công suất hiệu dụng bao nhiêu là đủ? Cấu hình máy tính để bàn, như đã nêu ở đầu bài, cần phải sử dụng bộ nguồn có công suất hiệu dụng 500 W để hệ thống chạy ổn định với áp lực lớn liên tục. Nếu chạy ép xung (CPU, RAM, VGA) thì bộ nguồn có công suất hiệu dụng càng lớn càng tốt. Đối với các cấu hình thấp hơn thì có thể lựa chọn công suất thấp hơn tương ứng nhưng phải đạt tối thiểu 300 W công suất hiệu dụng.

— Lưu ý:

- Các bộ nguồn không tên bán kèm thùng máy đều có chất lượng thấp, không thích hợp để kéo những cấu hình mạnh hiện nay mặc dù được dán nhãn công suất lên tới 700 W (công suất thực dụng nhỏ hơn 700 W rất nhiều). Bạn vẫn có thể sử dụng những bộ nguồn này vì lý do tiết kiệm, tuy nhiên khi hệ thống của bạn bắt đầu xuất hiện những lỗi lạ một cách liên tục (mà bạn biết chắc chắn là không phải do virus) như chạy chập chờn nhanh chậm thất thường, treo, đột ngột khởi động lại nhiều lần, Windows lúc vào được lúc không, thì lúc đó bạn nên cân nhắc đến việc đầu tư một bộ nguồn tốt hơn.

- Cũng cần nói thêm là nếu điện thế đầu vào (AC in) cho bộ nguồn không đủ và chập chờn thì bạn nên trang bị cho nó một ổn áp riêng (không dùng chung với các thiết bị điện gia dụng khác) để bộ nguồn hoạt động tốt hơn. Việc mua thêm bộ lưu điện UPS cũng cần được cân nhắc nếu chỗ đặt máy của bạn thường xuyên bị cúp điện. Điều này cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy tính cũng như công việc của bạn (đang soạn thảo văn bản, làm đồ họa, âm thanh mà chưa kịp lưu lại).

¡ THÙNG MÁY

— Một thùng máy lý tưởng cần phải đạt được các yêu cầu sau:

1. Hệ thống làm mát giải nhiệt cho các thiết bị: Những loại thùng máy đắt tiền thường trang bị quạt làm mát rất tốt, khung thân chính được làm từ chất liệu đắt tiền và chất lượng được đảm bảo giúp dẫn nhiệt tốt cộng với thiết kế luồng không khí được tính toán hợp lý và thật sự hiệu quả.

2. Dễ dàng thuận tiện cho việc lắp đặt: Thùng máy đắt tiền được chế tạo với độ chính xác rất cao vì vậy khi bạn lắp đặt các thiết bị phần cứng tiêu chuẩn không bao giờ có chuyện sai lệch kích thước. Ngoài ra các thùng máy này thường cho phép bạn lắp đặt phần cứng bằng tay với các phụ kiện đi kèm mà không cần đến tuốc-nơ-vít.

3. Độ tương thích cao: các mẫu thùng máy cao cấp thường thiết kế và tính toán sẵn cho bạn những chỗ có thể lắp đặt đươc rất nhiều cỡ và chủng loại mainboard, card mở rộng và các thiết bị phần cứng khác (có nhiều khe 5.25 inch và 3.5 inch)

4. Đảm bảo các tiêu chuẩn về độ ồn: các loại thùng máy mắc tiền không bị rung nên không gây tiếng ồn.

5. Đảm bảo an toàn sử dụng và an toàn về điện: sờ tay vào không bị giật.

— Trên thị trường hiện nay các loại thùng máy được bày bán rất đa dạng về mẫu mã sản phẩm và chất lượng, phổ biến vẫn là các dạng tower (thùng đứng). Khi mua nó cần phải đảm bảo được các yếu tố nêu trên và kết hợp thêm một số khía cạnh sau:

1. Thiết kế và độ thẩm mỹ: tùy vào sở thích cá nhân và hệ thống của bạn, nhưng không ai mua một thùng máy màu trắng để kế bên một LCD màu đen cùng với bộ bàn phím và chuột màu đen hoặc ngược lại bao giờ. Hãy chọn thùng máy có thiết kế vững chắc, không chông chênh, đừng ham mua những loại có nhiều đèn màu vì nó chỉ tốn điện thêm mà thôi. Ngoài thị trường có loại thùng gắn thêm màn hình LCD hiển thị nhiệt độ môi trường và có đèn chớp tắt rất “hoành tráng”, tuy nhiên màn hình LCD đó rất mau hư (chỉ sau vài ngày sử dụng), vì vậy nó không đáng để đầu tư. Lưu ý hãy chọn các mẫu có quạt bên hông càng nhiều càng tốt để giải nhiệt tốt hơn.

2. Tính tiện dụng: nên chọn các mẫu ở mặt trước có cổng USB thật (có dây nối vào USB Front trên mainboard đàng hoàng) và có lỗ cắm Headphone và Mic. Ngoài ra cần chọn mẫu có thiết kế nút nhấn Power (mở máy) và Restart (khởi động nóng) thật dễ nhấn và chắc chắn một chút. Điều này sẽ tiện lợi trong quá trình sử dụng máy tính của bạn.

CÔNG LUẬN