Nếu bạn sử dụng máy tính trên hai giờ mỗi ngày, bạn có thể mắc hội chứng thị lực máy tính. Các triệu trứng của CVS gồm đau đầu, khó tập trung, mỏi hoặc rát mắt, mờ thị lực, đau cổ và vai.
Một nghiên cứu của giáo sư Delia E Treaster ở đại học Ohio (Mỹ) thực hiện năm 2003 phát hiện thấy hơn 90% người dùng máy tính bị mỏi mắt. Càng ngồi lâu trước máy tính mỗi ngày, vấn đề này càng nặng hơn. Trong nghiên cứu này, giáo sư Delia E Treaster đã theo dõi 25.000 người làm máy tính trong vòng 3 năm. Kết quả nghiên cứu phát hiện thấy những người sử dụng máy tính trên 5 giờ mỗi ngày đều gặp phải vấn đề mỏi mắt khá nặng.
Màn hình máy tính là thủ phạm. Mắt không xử lý các ký tự trên màn hình tốt như trên tài liệu in truyền thống. Các ký tự trên tài liệu in có cạnh rõ nét hơn các ký tự trên màn hình. Vì vậy, mắt phải vất vả hơn trong việc duy trì sự tập trung vào các ký tự trên màn hình, dẫn đến mỏi mắt. Không chỉ có màn hình máy tính, hầu hết các thiết bị điện tử như di động, PDA cũng có thể gây ra mỏi mắt.
Rất may là có một số việc đơn giản dưới đây bạn có thể làm ngay để tránh CVS. Lời khuyên là đừng đợi đến khi có bệnh mới tìm cách chữa.
1. Ánh sáng phòng hợp lý
Văn phòng càng sáng càng tốt, có đúng chăng? Thật không may là điều này không đúng, nhưng giải pháp cho vấn đề này rất đơn giản. Nếu có cửa sổ nên sử dụng rèm để hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào. Đồng thời giảm bớt ánh sáng các đèn điện ở trong nhà. Với văn phòng làm việc trên máy tính, điều chỉnh ánh sáng phòng hợp lý là yếu tố rất quan trọng, giúp chống mỏi mắt.
2. Giảm ánh sáng chói
Ánh sáng chói là ánh sáng phản chiếu từ các bề mặt như tường và màn hình máy tính. Ánh sáng này có thể gây mỏi mắt, mờ thị lực. Có một số cách làm giảm ánh sáng chói là: dùng sơn tường màu tối, sử dụng màn hình chống chói hoặc tấm chống chói cho màn hình, nếu đeo kính mắt nên chọn loại kính có lớp chống chói.
3. Chỉnh ánh sáng và độ tương phản màn hình
Một trong những cách đơn giản nhất để giảm mỏi mắt là điều chỉnh độ sáng màn hình và các thiết lập tương phản (contrast). Không có một chế độ nào sáng hay tương phản nào là đúng hay sai, hay nói đơn giản là không có chế độ phù hợp tất cả mọi người và trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Cách duy nhất là điều chỉnh độ sáng màn hình và độ tương phản đến khi bạn cảm thấy thoải mái là được. Nếu ánh sáng nền hơi sáng, giảm độ sáng. Ngoài ra, nên để độ tương phản giữa ánh sáng nền và ký tự ở mức cao.
4. Chỉnh màu và cỡ chữ
Điều chỉnh cỡ chữ và màu trên màn hình có thể giúp giảm mỏi mắt. Đầu tiên, nên tăng kích cỡ chữ. Bạn có thể sử dụng kích cỡ chữ nhỏ nhất để xem được nhiều chữ trên màn hình nhưng làm vậy rất hại cho mắt. Thay vào đó nên tăng kích cỡ chữ lên 2 đến 3 lần kích cỡ nhỏ nhất bạn có thể đọc. Hầu hết các phần mềm và trình duyệt cho phép điều chỉnh kích cỡ chữ. Khi có thể, nên sử dụng chữ đen trên nền trắng và hạn chế sử dụng nền màu quá phức tạp.
5. Giải lao
Làm việc trên máy tính nên có những khoảng thời gian nghỉ. Viện y tế và an toàn nghề nghiệp quốc gia Mỹ khuyến nghị người dùng máy tính nên có tối thiểu 4 lần nghỉ khoảng 5 phút hoặc hai lần nghỉ 15 phút trong mỗi ngày làm việc trên máy tính. Tốt hơn là mỗi giờ làm việc trên máy tính nên nghỉ 5 phút.
Còn Hiệp hội nhãn khoa Mỹ (AOA) khuyên nên nghỉ 15 phút sau 2 giờ sử dụng máy tính. AOA cũng khuyên những người dùng máy tính nên áp dụng quy luật 20/20 khi không thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 20 phút làm việc trên máy tính, nên rời mắt khỏi màn hình và tập trung vào một cái gì đó trong khoảng 20 giây.
6. Vệ sinh màn hình sạch sẽ
Một cách đơn giản nên làm thường xuyên là vệ sinh màn hình. Bụi bẩn, dấu ngón tay và những vết bẩn khác có thể làm sao lãng sự tập trung của mắt. Để tốt cho mắt, nên tạo thói quen lau màn hình vào mỗi sáng hoặc tối thiểu vài ngày một lần.
7. Đặt tài liệu in đúng chỗ
Nhìn đi nhìn lại giữa tài liệu in và màn hình máy tính có thể gây mỏi mắt. Để giảm bớt nguy cơ mỏi mắt do việc này gây ra, nên đặt tài liệu in ở gần màn hình nhất có thể. Ngoài ra, nên sử dụng bệ đỡ tài liệu để giữ nó ở tư thế thẳng.
8. Khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính
Nên giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính từ 20-26 inch (50-64 cm).
Nhiều người dùng máy tính thường ngồi quá gần màn hình. Đó là một trong những nguyên dẫn đến mỏi mắt. Nên giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính khoảng 20-26 inch (50-64 cm). Điểm giữa của màn hình máy tính nên chếch phía dưới mắt khoảng 10-20 độ.
Nếu bạn không thể thay đổi khoảng cách giữa mắt với màn hình máy tính, nên điều chỉnh cỡ chữ. Ví dụ, nếu bạn ngồi quá xa màn hình, nên tăng cơ chữ. Đó không phải là giải pháp tối ưu nhất nhưng còn tốt hơn là phải căng mắt nhìn những chữ nhỏ ở khoảng cách quá xa.
9. Đeo kính
Nếu áp dụng các lời khuyên trên mà vẫn thấy mỏi mắt, bạn nên đeo kính khi làm việc với máy tính. Hiện có một số loại kính chuyên dụng dành cho những người làm việc với máy tính. Trước khi chọn những loại kính này, nên có ý kiến tư vấn của bác sĩ nhãn khoa.
10. Thử Yoga
Nếu tất cả các giải pháp trên đều thất bại, hãy thử Yoga. Trong một nghiên cứu của Ấn Độ với 291 người, một nửa số người tham gia nghiên cứu luyện Yoga mỗi giờ một ngày, 5 ngày trong một tuần, đã cải thiện đáng kể thị lực sau 60 ngày. Trong khi những người không tập Yoga không thấy có cải thiện gì về thị lực.