Bạn cũng cần chú ý rằng, một số bước thực hiện liệt kê ở đây có thể áp dụng cho cả những thiết bị kỹ thuật số khác, chứ không riêng gì ĐTDĐ.
Tháo rời những thành phần quan trọng
Trước hết, ngay sau khi điện thoại bị rơi xuống nước, hoặc bị dính nước, bạn cần đưa điện thoại vào chỗ khô ráo càng sớm càng tốt. Càng để lâu điện thoại trong môi trường nước thì cơ hội “cứu sống” chúng càng mong manh hơn. Nếu không có chỗ khô ráo, bạn cần phải sử dụng dụng cụ nào đó để che điện thoại, sao cho chúng không bị ướt thêm nữa.
Thao tác tiếp theo cần thực hiện đó là tháo rời pin ra khỏi điện thoại. Đừng ngại tắt nguồn điện thoại khi bạn đang ở ngoài trời mưa, nhưng hãy chắc rằng bạn cần che tay khi tháo pin để nước không rơi vào bộ phận tiếp xúc của pin. Nếu bạn đang ở chỗ khô ráo thì chỉ cần tắt nguồn điện thoại và tháo pin ra. Nếu điện thoại không có dấu hiệu bị chập mạch ngay lúc đó thì khả năng cứu được chúng là rất lớn.
Thao tác kế tiếp bạn cần thực hiện là tháo SIM ra khỏi điện thoại. Đối với một số mẫu điện thoại, việc tháo hay không tháo SIM cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng rõ ràng đó là một bộ phận quan trọng. SIM là một phần của mạch điện, chính vì thế ngắt SIM ra khỏi máy càng sớm, các kết nối càng đỡ bị hỏng.
Không dùng máy sấy để sấy khô điện thoại
Quy trình “cấp cứu” quan trọng tiếp theo chính là để nước hoặc hơi nước bốc hơi khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Thao tác cơ bản đầu tiên là sử dụng miếng vải khô để lau sạch những phần ướt rồi để chúng ở nơi thoáng mát trong một vài ngày rồi lắp ráp lại. Cách làm này cũng khá hiệu quả nhưng lại mất thời gian và đôi khi vẫn gây ra hiện tượng gỉ sét.
Rất nhiều người từng nghĩ rằng có thể làm khô điện thoại bằng cách đặt dưới bóng đèn bàn hoặc sấy khô bằng máy sấy nhưng thực ra điều đó là sai lầm. Dùng máy sấy chỉ khiến cho nước đi sâu vào các bảng mạch thay vì là hút chúng ra một cách từ từ. Để điện thoại dưới ngọn đèn bàn hoặc máy sấy chỉ khiến cho chúng hỏng trầm trọng hơn mà thôi.
Thay vào đó, bạn có thể để điện thoại trong một chiếc hộp chống ẩm khoảng 15-20 phút rồi bỏ ra ngoài để trên một chiếc khăn tay khô. Chiếc khăn này sẽ hút nước, và cứ để điện thoại như thế trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ.
Dùng chất chống ẩm
Chất chống ẩm ở đây có thể đơn giản là gạo sống, hoặc chuyên nghiệp hơn, bạn có thể sử dụng hạt hút ẩm, thường dùng để chống ẩm cho máy ảnh số.
Tại Hà Nội, bạn có thể mua hạt hút ẩm tại Hàng Hòm, Hàng Mành, hoặc một số siêu thị với giá khá rẻ. Còn nếu không, bạn có thể sử dụng gạo sống để thay thế. Chỉ cần đổ gạo đầy vào một chiếc hộp nhỏ rồi cắm chiếc điện thoại vào đó, đóng nắp vào đợi khoảng 2-3 tiếng là được.
Sau tất cả những thủ tục này, bạn cần “phơi” điện thoại khoảng 1 ngày tại nơi khô ráo. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng một chiếc khăn tay khô đặt dưới điện thoại để thấm nước khi phơi.
Cuối cùng, sau khoảng thời gian chờ đợi trên, bạn sẽ thực hiện thao tác lắp ráp các thành phần rồi khởi động lại điện thoại. Nếu may mắn, chiếc điện thoại của bạn sẽ hoạt động bình thường, còn nếu không nó sẽ gặp một số hiện tượng trục trặc như: màn hình có đường kẻ; một số nút không có tác dụng; điện thoại không khởi động được.
Trong trường hợp đó, bạn cần mang chúng tới thợ để sửa, hoặc bạn cũng có thể tháo điện thoại ra để lau khô lần nữa.
Gia Nguyễn (TP)