Có nhiều chương trình chơi bida trên máy tính, trong đó chỉ có một vài chương trình hỗ trợ chơi online. Đặc biệt có chương trình Carom3D (http://www.carom3d.com/) cực kỳ ấn tượng, hay hơn hẳn những chương trình cùng loại, đem lại cho bạn cảm giác y như thật. Yêu cầu cấu hình máy lại thấp, chỉ cần CPU 166MHz trở lên, card màn hình 1MB là chơi được, nhưng tốt nhất là 4MB trở lên. Carom3D có rất nhiều thành viên từ mọi quốc gia trên thế giới, số lượng người chơi online ở mọi thời điểm thường xuyên là khoảng 1.500 người.
Trước tiên, bạn tải chương trình này về từ địa chỉ: http://www.carom3d.com/.
Chương trình gồm hai phần chính: Chơi offline (chủ yếu là để làm quen và tập) và chơi online. Carom3D cho phép chơi tất cả các loại bida hiện có:
Bida “France”:
Bấm F2 để chuyển đổi giữa hai cách thể hiện điểm: điểm và biểu tượng.
- 4 bi (4-ball): tương tự bida bình thường, điểm khác là có tổng cộng 4 bi: 1 vàng, 1 trắng và 2 đỏ. Mỗi bên 1 bi trắng hoặc vàng, đánh vào 2 bi đỏ. Nếu chạm bi của bên kia sẽ bị lỗi (khi chơi online nếu ở trình độ trung bình trở lên sẽ bị trừ điểm). Sau khi thực hiện xong tất cả các điểm bắt buộc sẽ phải đánh một trái 3 băng để kết thúc ván.
- 3 băng (3-cushion): tương tự bida 3 băng bình thường, phải đánh ít nhất 3 băng trở lên mới được tính điểm.
- 6 bi (6-ball): giống bida dù, mỗi bên được gán ngẫu nhiên một số từ 2 đến 4, đánh vào các bi và cộng điểm lại để bằng một số cho trước (thông thường là 49, nếu ở chế độ Pro). Điểm của các bi như sau: Xanh: 10, Vàng: 5, Đỏ: 3, Trắng: 2. Phải đánh vào bi đen trước tiên, bi mình chạm vào bi nào thì được số điểm đó. Nếu chạm vào nhiều hơn một bi sẽ không được tính điểm và mất lượt đi, trừ trường hợp trúng bi Đỏ-Trắng sẽ được 5 điểm. Nếu điểm vượt quá sẽ bị trở về vị trí ban đầu. Ví dụ: Tổng số là 49 (nhưng thể hiện điểm ở màn hình game là 490), được gán cho số 3, sẽ phải đánh 46 điểm để thắng. Có nhiều phương án lựa chọn: 4 Xanh + 2 Đỏ; hoặc 4 Xanh + 3 Trắng; hoặc 3 Xanh + 2 Vàng + 2 Đỏ...
BIDA LỖ:
Nếu phạm lỗi thì đối thủ sẽ được đặt bi ở nơi bất kỳ.
- 8 bi (8-ball): giống như chơi sọc - trơn.
- 9 bi (9-ball): thường ít chơi ở VN, nhưng thường thấy trong các cuộc thi đấu quốc tế. Phải đánh bi theo số thứ tự từ 1 đến 9, nhưng tại bất kỳ thời điểm nào nếu số 9 vào lỗ là thắng.
- 15 bi (15-ball): đánh thứ tự từ 1 đến 15 và cộng điểm, ai nhiều điểm hơn sẽ thắng.
- Đánh bài (Card ball): giống như đánh bida lỗ với lá bài như ở ngoài thực tế.
Snooker:
Chơi snooker giống như ở ngoài thực tế. Tuy nhiên, khi chơi ở chế độ thực tập thì Carom3D chỉ hỗ trợ một số trò: 4 bi, 3 băng, 8 bi và bài.
Cách điều khiển (khi đang chơi có thể bấm F1 để biết luật chơi và cách điều khiển) chủ yếu là dùng chuột, thêm 3 phím Ctrl, Shift, Alt và Tab:
- Bấm chuột trái để chọn điểm tương tác giữa cơ và bi (điểm đặt cơ).
- Bấm chuột phải để nâng đuôi cơ (trong trường hợp muốn massé hoặc để thêm nhiều ép-phê, hoặc là để “trô” cho “ngọt”).
- Rê chuột qua lại để chọn đường đi cho cơ.
- Bấm Shift để “tinh chỉnh”, có thể áp dụng ở mọi chức năng.
- Bấm Tab để chuyển đổi qua lại giữa góc nhìn bình thường và nhìn từ trên xuống.
- Đánh: bấm và giữ Ctrl, kéo chuột lại và đẩy tới trước (như đang cầm cơ thật vậy!).
Ở chế độ chơi online, người chơi cũng có cấp bậc như hầu hết các trò chơi khác. Thắng sẽ được điểm, thua mất điểm, nhưng thường thì 1 ván thắng sẽ được điểm gấp rưỡi số điểm mất trong một ván thua.
Trước tiên phải vào trang web chính để đăng ký một ID, với cách thức rất đơn giản, sau đó login vào chương trình để chơi. Mỗi ngày login vào một lần sẽ được một số điểm thưởng nhất định, tùy theo level của người chơi.
Ở Carom3D có rất nhiều server để phục vụ cho nhiều cấp độ người chơi khác nhau. Pocket để chơi lỗ, No Pocket để chơi “France”, và Snooker. Bắt đầu thì vào server Novice, sau đó khi level tăng lên (từ medal trở lên) thì phải vào server Advance trở lên. Tuy nhiên, có server free để người chơi mọi cấp độ có thể vào. Ngoài ra, còn có server Training cho mọi người, để tập luyện với nhau, kết quả sẽ không được tính vào điểm số của người chơi.
Khi login, bạn sẽ được cung cấp danh sách các phòng hiện có, phòng đang chơi hoặc là phòng đang đợi người chơi. Bấm vào “Wait rooms / All rooms” để chọn riêng các phòng đang chờ hoặc là tất cả. Bấm vào drop list bên cạnh để chọn một môn chơi nhất định. Nếu phòng đã có người chơi, ta vẫn có thể vào và xem họ chơi thế nào.
Khi login, có thể thực hiện các lệnh sau:
- Chat: gõ trực tiếp vào màn hình (trong khi đang chơi).
- Chỉnh volume: /vl [%], ví dụ: /vl 5 để chọn 5% volume.
- Xem profile người chơi: /pf [id], ví dụ /pf abc để xem một số thông tin cơ bản về người chơi có ID là abc, bao gồm quốc tịch, level, số ván đã từng chơi, số ván thắng/thua, tỷ lệ số ván thắng / tổng số ván chơi, điểm số...
- Tìm xem một người chơi có login hay không, hoặc là đang ở đâu: /where [id], ví dụ: /where abc , sẽ biết được người chơi abc đang ở server nào, phòng nào...
- Gửi tin nhắn riêng: /to [id], ví dụ: /to abc ban dang o dau? để hỏi người chơi abc “ban dang o dau?”. /re để trả lời người gửi tin nhắn gần nhất. Điểm yếu là Carom3D không hỗ trợ tiếng Việt có dấu.
- Mời vào: /in [id] để mời một người vào phòng, nếu người đó đang ở trong cùng server và hiện tại không ở trong một phòng khác, ví dụ: /in abc (khi đang ở trong một phòng nào đó)
- Ghi lại một cú đánh để xem lại sau: /snap (trong khi đang chơi, ra lệnh ngay sau khi cú đánh được thực hiện).
- Và còn nhiều lệnh khác...
Một điều bạn cũng cần biết là trong Carom3D người chơi sử dụng rất nhiều từ viết tắt, mà nếu không biết bạn sẽ không hiểu, và thậm chí còn bị coi là bất lịch sự, ví dụ:
- mf: my friend (bạn tôi).
- gl: good luck (chúc may mắn), thường được nói khi bắt đầu cuộc chơi.
- hf: have fun (chúc vui vẻ).
- ty: thank you.
- sry: sorry (xin lỗi).
- np: no problem (không sao).
- bl / vbl: bad luck, very bad luck (xui / xui quá).
- nr / vnr: nice run / very nice run (đi nhiều / đi nhiều quá, thường là để khen một ai đó).
- gg / vgg: good game (ván chơi hay / hay quá): thường nói khi kết thúc 1 ván đấu.
- omg: Oh my God (trời ơi).
- ...
Chẳng hạn, khi bạn đánh trật một cú đánh rất đáng tiếc, đối thủ sẽ nói: “omg, vbl mf”, có nghĩa là “Trời ơi, xui quá bạn ơi”, và bạn có thể nói “ty” để cám ơn về lời bình phẩm đó. Hoặc khi bạn đặt đối thủ vào một tình huống khó khăn, bạn có thể nói “sry” và đối thủ sẽ trả lời “np mf”...
Bạn có thể thảo luận trực tiếp trong Carom3D với những người đang online (tốt nhất là khi có người VN). ID của người viết bài này là NTT. Sẽ rất vui nếu được gặp các bạn trong trò chơi thú vị này.
NGUYỄN TOÀN THẮNG