Quy luật 80/20
Để 2 DHCP server hoạt động không mâu thuẫn, ta cần tuân theo qui luật 80/20 nhằm đảm bảo tính hiệu quả. Quy luật này sẽ chia scope cho 2 server theo tỉ lệ 80% cho Server 1 và 20% cho Server 2. Điều này có nghĩa nếu Server 1 đảm nhiệm việc cấp phát 80% số IP cho các client thì Server 2 chỉ nên đảm nhận 20%. Cụ thể như sau:
Một mạng LAN có scope cho các client là từ 192.1168.1.11 cho đến 192.168.1.254 (10 IP tĩnh đầu tiên sẽ dành cho các server khác). Và bây giờ ta áp dụng qui luật 80/20 cho 2 DHCP server trong LAN như sau:
- Cấu hình cho cả 2 server đều cấp phát IP cùng range với nhau, start IP là 192.168.1.11 và end IP là 192.168.1.254.
- Tuy nhiên phần exclusion (Các IP ngoại lệ không cấp phát cho các client) của 2 server sẽ khác nhau.
- Server 1 cấu hình exclusion là start IP từ 192.168.1.205 đến end IP là 192.168.1.254 (20% scope), như vậy Server 1 có thể cấp phát 80% địa chỉ IP hợp lệ cho các client. Và Server 2 sẽ được cấu hình phần còn lại từ 192.168.1.11 đến 192.168.1.204.
Như vậy bạn dễ dàng nhận thấy thấy, dãy IP mà Server 1 được quyền cấp thì Server 2 bỏ vào phần exclusion (không được cấp) và ngược lại. Chính nhờ điều này mà không dẫn đến mâu thuẫn cấp phát IP giữa 2 DHCP server.
Việc chạy đồng hành DHCP đơn giản hơn việc chạy đồng hành các loại server khác, bởi vì cơ sở dữ liệu không nhiều. Nếu server nào mất hiệu lực thì server còn lại sẽ tự động đảm nhiệm việc cấp phát IP cho tất cả, và đương nhiên nếu server có dãy IP cấp chiếm 80% bị hỏng thì việc cấp phát IP sẽ chỉ đạt được hiệu suất 20%, tức sẽ có một số client đứng ngoài “cuộc chơi”, cho đến khi ta cấu hình lại scope cho Server 2 hoặc đưa Server 1 vào hoạt động lại.
Cấp IP tĩnh cho một máy cụ thể
Các IP được cấu hình trong scope sẽ được phân phối tự động cho các client mỗi khi có nhu cầu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là các server luôn phải duy trì một IP cố định mỗi khi được khởi động để đảm bảo tất cả các máy con đều có thể truy xuất được dễ dàng. Vậy cần phải có một cơ chế tự động phân phối một IP cố định cho một máy nào đó. Trong trang cấu hình DHCP có mục reservation để đảm đương nhiệm vụ này:
Vào menu Start > Administrative tools > DHCP, mở trình cấu hình DHCP, chọn nhánh Reservation, nhấp phải chọn New reservation. Hộp thoại New reservation xuất hiện, bạn điền những thông tin cần thiết vào, quan trọng nhất là IP cần gán cố định cho máy đó. MAC Address là địa chỉ phần cứng card mạng của máy đo trong LAN, địa chỉ này là duy nhất với tất cả các thiết bị, do đó chỉ cần điền đúng MAC Address thì DHCP server sẽ biết mình phải cấp chính xác IP cố định nào cho máy đó theo cấu hình của bạn. Để biết địa chỉ MAC bạn có thể xem vỏ hộp card mạng, trên chính card mạng, hoặc dùng lệnh ipconfig /all trên máy đó để biết địa chỉ MAC.
Bạn cần lưu ý một điều rằng với những máy quan trọng như DNS server hay domain controller..., bạn không thể dùng cách này để gán IP tĩnh cho chúng được, chỉ có cách duy nhất có giá trị là tự set IP tĩnh trong cấu hình kết nối mạng của chính máy đó. Như vậy việc đặt IP tĩnh tự động từ DHCP chủ yếu phục vụ cho nhu cầu người dùng, ví dụ họ host một thư mục chia sẻ, và muốn máy mình luôn có IP cố định nhằm thuận tiện cho những người khác truy xuất. Mặc dầu việc này là không cần thiết vì DNS server đã làm nhiệm vụ phân giải tên miền thành IP mà không cần bạn gõ IP, cho dù IP của máy đó có thay đổi mỗi khi restart. Thông thường chúng được dùng gán cho các thiết bị như máy in, máy scan.
Mặt khác, máy nhận IP tĩnh vẫn phải cấu hình kết nối của mình là Obtain IP/DNS Server Address Automatically. Điều đó có nghĩa là nó vẫn sử dụng chế độ IP động, nhưng do DHCP chỉ định 1 IP duy nhất cho nó nên nó lại luôn có 1 IP duy nhất trong mạng nội bộ.
Cấu hình bổ sung cho DHCP server
Khi xây dựng một DHCP server, như đã nói ở bài viết trên LBVMVT 233, bạn đã cấu hình luôn cả router, DNS server để các client sẽ trỏ đến khi cần. Tuy nhiên khi muốn thay đổi cấu hình này, bạn có thể vào trang cấu hình DHCP và mở đến scope mình vừa tạo, chọn Scope Option. Nhìn phía tay phải sẽ thấy các cấu hình IP của router hoặc DNS server hoặc WINS server. Vào Properties của mục cần thay đổi và nhập lại IP.
Mặt khác ta thấy trong trang cấu hình DHCP có thêm mục Server Options. Nhấp phải vào mục này chọn Configure Options bạn sẽ có thể cấu hình các IP trỏ đến DNS server, router... Tuy nhiên đây là mục mặc định, có nghĩa là nếu các scope bạn không cấu hình trỏ các IP của DNS server hay router đến đâu thì cấu hình trong Server Options sẽ tự động gán vào scope đó. Nếu bạn cấu hình chúng trong scope luôn thì Server Options sẽ không có giá trị với riêng scope đó.
DHCP Server có thể đảm nhiệm việc cấp phát đến khoảng 60 server các loại, tuy nhiên chúng ta vẫn dùng nhiều nhất là DNS server và router (Default gateway).
Như vậy bạn dễ dàng thấy vai trò của DHCP, vì nó chịu trách nhiệm thông tin về DNS server ở đâu cho các client biết. Nếu không biết Default Gateway thì các clietn cũng không thể liên hệ liên mạng hay ra Internet được. Tất cả thông tin này đều do bạn cấu hình ở DHCP. Và cuối cùng khi DHCP đã trỏ các client đến DNS server, thì nhiệm vụ sẽ phụ thuộc vào việc cấu hình DNS server sao cho đáp ứng được yêu cầu của hệ thống là phân giải tên miền. Và khi mà yêu cầu của client đến một địa chỉ nào đó không tồn tại trong LAN, Default Gateway sẽ nhảy vào lãnh trách nhiệm chuyển yêu cầu đó ra khỏi LAN đến Internet hoặc mạng khác, rồi sau đó nhận lại kết quả trả về cho đúng client.
PHAN THANH BÌNH