Tư vấn nói chung giữ vai trò đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, những giải pháp đối phó với cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội trên thương trường... trong từng thời kỳ phát triển cụ thể, để vận dụng, biến những giải pháp đó trở thành cơ hội cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thành công trên thương trường có phần đóng góp không nhỏ của các nhà tư vấn. Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp vì chọn nhầm nhà tư vấn thiếu chuyên nghiệp, hệ quả là không giúp ích được gì nhiều, đôi khi còn gây thiệt hại, khiến doanh nghiệp tốn công sức, thời gian, đánh mất cơ hội…
GS.TS. Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (IDR), cho rằng vấn đề được đặt ra ở đây là làm cách nào để chọn được nhà tư vấn chuyên nghiệp, phù hợp để cùng doanh nghiệp đi đến thành công là điều doanh nghiệp cần cân nhắc.
Trước tiên, doanh nghiệp phải chọn nhà tư vấn có năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và nhất là hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp. Nhà tư vấn phải chứng minh cho khách hàng thấy quá trình làm việc của mình là công khai, minh bạch. Tư vấn không phải là vẽ rồng, vẽ rắn cho dự án, mà phải đưa ra các giải pháp cụ thể có tính khả thi. Đồng thời nhà tư vấn thực hiện và chịu trách nhiệm về giải pháp, kết quả của dự án do mình đưa ra. Đây cũng là chuẩn mực dành cho những nhà tư vấn quốc tế.
Ông Hùng cho rằng, nhà tư vấn chuyên nghiệp cần hội đủ ba yếu tố chính là năng lực, tính trung thực và khách quan. Để nhận biết đâu là nhà tư vấn trung thực, doanh nghiệp cần nhận định, đánh giá kĩ bản thân, tư cách của nhà tư vấn, thông qua quá trình hợp tác, đánh giá của xã hội, đồng thời có thể tìm hiểu thêm từ các nguồn thông tin khác nhau để lựa chọn cho mình nhà tư vấn có khả năng, tư cách đạo đức.
Nhà tư vấn chuyên nghiệp là người có đủ năng lực, giỏi chuyên môn, có khả năng tư duy, kinh nghiệm để đề xuất ý kiến, phương án phù hợp với định hướng cũng như xử lý được các vấn đề phức tạp cho doanh nghiệp. Nghĩa là nhà tư vấn phải cùng khách hàng định ra đường đi, mô hình quản lý phù hợp để đạt mục tiêu cuối cùng. Bản thân nhà tư vấn chuyên nghiệp luôn có sự nghiêm túc, cẩn thận, nghiên cứu thấu đáo để đề xuất những ý kiến của mình, nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng. Đồng thời luôn ý thức được những ý kiến, phương án do mình đưa ra.
Nhưng quan trọng hơn tất cả vẫn là đạo đức và lòng tự trọng nghề nghiệp của người làm tư vấn. Theo ông Hùng, “nhà tư vấn không thể thông qua hoạt động của mình để lợi dụng tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp rồi cung cấp cho doanh nghiệp khác, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh, để trục lợi”.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần có sự tin tưởng vào nhà tư vấn, nên xem nhà tư vấn như người bạn đồng hành, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp với doanh nghiệp, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu cụ thể và quan trọng hơn là phải nói thật những điểm mạnh, yếu, những thiếu sót cơ bản của doanh nghiệp để nhà tư vấn có thể đề xuất những ý kiến, phương án xác thực.
Tại Việt Nam hiện chưa có những quy định cụ thể cho chuyên gia tư vấn, và tư vấn cũng chưa trở thành một nghề hẳn hòi. Ở nhiều nước trên thế giới, để được hành nghề, chuyên gia tư vấn cần có giấy phép hành nghề. Do vậy, trong thực tế, những người được xem là “chuyên gia tư vấn” đều dựa trên những tiêu chí, cương lĩnh, nguyên tắc đạo đức hoạt động trong nghề, đó là những tiêu chuẩn của nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Thực ra, nhà tư vấn không thể bao quát hết mọi vấn đề, đôi khi họ chỉ chuyên sâu một lĩnh vực nào đó và am hiểu nhất định những vấn đề có liên quan. Do vậy, nếu doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào một nhà tư vấn duy nhất thì chưa đủ, mà cần có sự phối hợp giữa những nhà tư vấn ở những lĩnh vực khác nhau. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải tranh thủ vận dụng ý kiến của nhà tư vấn một cách hiệu quả như tham khảo đúc kết những kinh nghiệm, để tiến hành công việc cho doanh nghiệp mình một cách thuận lợi nhất
NGUYỄN QUÂN