Corel nổi tiếng từ lâu với bộ phần mềm đồ họa trứ danh. Mới đây hãng Corel đã tung ra bản Corel Digital Studio 2010. Đây là bộ công cụ đa phương tiện có giao diện rất đẹp, trang bị những tính năng mạnh mẽ nhất từ các sản phẩm của Corel trước đây, đó là: Corel PaintShop, Corel DVD Factory, VideoStudio (Corel mua lại từ Ulead) và WinDVD (mua lại từ InterVideo). Đây là bộ phần mềm có giao diện đẹp với khả năng làm việc tốt nhất hiện nay, sản phẩm tạo ra của nó cũng đẹp hơn rất nhiều so với những bộ phần mềm khác.
Cài đặt
Đầu tiên bạn tải file cài đặt của Digital Studio 2010 (DS) tại địa chỉ http://tinyurl.com/digstu. Dung lượng của DS khá lớn (885 MB), tuy vậy nó vẫn còn nhỏ hơn so với gói cài đặt Nero 9 mà vẫn vượt trội về giao diện, giải trí và hiệu năng làm việc. Bạn nên dùng một trình download chuyên nghiệp (IDM hay FlashGet chẳng hạn) để tải nhanh hơn và đảm bảo không bị rớt giữa chừng. Sau đó, chạy file CDS2010-TBYB-NA.exe để cài đặt. Trong cửa sổ cài đặt, bạn chọn ngôn ngữ, thư mục cài đặt và sau đó bấm Install để bắt đầu. Lưu ý là trong quá trình cài đặt, DS sẽ cập nhật Microsoft .NET FrameWork 3.5 SP1, vì vậy bạn cần giữ kết nối Internet để không bị ngắt cài đặt giữa chừng.
Sau khi quá trình cài đặt DS kết thúc, bấm Finish để hoàn tất. Khi đó trên màn hình desktop của bạn sẽ có 4 biểu tượng mới là Corel PaintShop Photo 2010, Corel VideoStudio 2010, Corel DVD Factory 2010, Corel WinDVD 2010 ứng với 4 ứng dụng mới nhất mà Corel trình làng trong DS. Đồng thời trên thanh sidebar của Windows 7/Vista cũng xuất hiện một gadget mới là Corel Digital Studio 2010, giúp bạn truy xuất nhanh chóng các ứng dụng của DS. Các ứng dụng này đều hết sức độc đáo, nhưng do khuôn khổ bài báo, sau đây chỉ xin giới thiệu riêng ứng dụng biên tập phim Corel VideoStudio 2010 (CVS).
Sử dụng Corel VideoStudio 2010
Hẳn chúng ta đều đã biết đến phần mềm VideoStudio nổi tiếng trong lĩnh vực biên tập phim của hãng Ulead. Hiện nay VideoStudio đang được tiếp tục phát triển dưới thương hiệu của Corel. Trong bộ DS 2010, Corel đã tinh giản lại phần mềm VideoStudio nên bạn sẽ thấy dễ sử dụng hơn rất nhiều, rất thích hợp cho các bạn mới làm quen với biên tập phim. Hơn nữa, CVS 2010 còn hỗ trợ tốt hơn trong việc quản lý thư viện hình ảnh và video trên máy tính, nên có thể xem đây vừa là một trình biên tập phim, vừa là một chương trình quản lý thư viện media lý tưởng.
Giao diện CVS:
Lần đầu tiên chạy CVS 2010, bạn hãy chờ một chút để chương trình quét các tập tin video trên máy tính, tiến trình quét này sẽ thuận lợi cho việc tìm kiếm của bạn sau này.
CVS có giao diện gương trong suốt rất đẹp, cách bố trí các nút chức năng được sắp xếp lại giúp cho người dùng dễ thao tác. Phía trên cùng cửa sổ CVS 2010 là thanh công cụ (Action bar) gồm Import (đưa các tập tin video cần biên tập từ các thiết bị quay vào chương trình), Create (làm phim), Print (các tác vụ in ấn), Share (chia sẻ) và nút Search (tìm kiếm tài nguyên trong thư viện).
Phía bên trái có hai mục: mục Library là thư viện media trên máy tính của bạn gồm Video (các đoạn phim mà CVS vừa quét được) và Folder (các thư mục chứa video trên máy tính), mục My Stuff chứa những dự án bạn đã hoặc đang thực hiện gồm Album và Projects.
Đưa video vào CVS:
Trên thanh công cụ, bạn bấm Import, CVS 2010 hỗ trợ nhập video từ nhiều nguồn thiết bị như: My Computer (từ đĩa cứng máy tính), Video Disc (từ đĩa CD/DVD), Camera/ Memory Card (từ máy chụp ảnh hoặc thẻ nhớ), Mobile Phone (từ điện thoại di động), Webcam (từ webcam), TV Tuner/ Capture Card (từ card ghi truyền hình), Camcorder - Tape (lấy phim từ băng máy quay), Camcorder - Memory/Disc (từ máy quay có thẻ nhớ hoặc đĩa quang), Other Devices (từ thiết bị khác).
Thông thường, khi bạn kết nối thiết bị của mình với máy tính thì lập tức CVS sẽ đưa ra thông báo New device detected. Do you want to import media files from this device? Bạn bấm Yes để CVS dò tìm và liệt kê các tập tin media (video và hình ảnh) của mình. Mặc định CVS sẽ để bấm dấu ? màu vàng trên tất cả các tập tin tìm được, tức là nhập tất cả vào (bạn có thể bỏ dấu chọn trên những file không muốn nhập). Sau đó chọn thư mục lưu các file này trong mục To folder. CVS còn có chức nay rất hay là loại bỏ những file trùng lắp, bạn đánh dấu chọn Skip duplicates ở góc trái phía dưới để bật tính năng này. Khi chọn xong, bạn bấm nút Import để tiến hành nhập chúng vào thư viện, sau đó bấm OK để hoàn tất.
Quản lý thư viện media:
Quá trình import hoàn tất, bây giờ bạn có thể quay lại cửa sổ chính của CVS để quản lý thư viện của mình ở mục Library. Mục này gồm có hai nút chính là Videos và Folders. Nhưng thật ra khi bấm dấu hình tam giác bên phải nút Videos, bạn sẽ thấy các tùy chọn khác là All Media (tất cả tập tin media trong thư viện) và Photos, Videos, Music ứng với 3 dạng media cần thiết cho dựng phim là ảnh, phim và nhạc.
Để dễ quản lý thư viện này, bạn hãy bấm nút Tag phía bên phải trên cùng của thư viện, một bảng danh sách các loại tag sẽ hiện ra để bạn lựa chọn. Nếu muốn nhập mới, bạn hãy gõ tên tag đó ở ô Add new tag. Đối diện với nút Tag là ba nút Name/Dates/Rating giúp bạn sắp xếp thư viện theo tên file, ngày tháng hoặc xếp hạng. Trong quá trình quản lý với Library, những file đã xóa sẽ nằm trong Recycle Bin ở góc phải cuối cửa sổ CVS.
CVS hỗ trợ rất tốt trong việc chia sẻ các tập tin video qua các mạng xã hội thông dụng nhất hiện nay là YouTube, Facebook, Flickr và qua e-mail. Để chia sẻ một đoạn video, bạn hãy chọn file đó trong thư viện, bấm nút Share trên thanh action bar, chọn dịch vụ chia sẻ mà bạn muốn. Với YouTube, CVS còn hỗ trợ chức năng upload thông minh có tên là Smart Upload, giúp bạn tự động thêm các thông tin chú thích cho video.
Xử lý ảnh, video:Không chỉ là một trình quản lý thông thường, CVS 2010 còn hỗ trợ bạn các thao tác chỉnh sửa với trình xử lý có tên Express Edit (EE). Trong Library, ứng với mỗi tùy chọn dạng media, EE sẽ cung cấp cho bạn những công cụ khác nhau:
- Photos: khi bấm đôi lên một bức ảnh, trình EE sẽ được gọi lên ngay trong cửa sổ CVS. Phía trên cùng là thanh công cụ chính như Straighten (chỉnh lại bố cục bức ảnh cho thẳng), Crop (xén ảnh), Fix red-eye (xử lý mắt đỏ), Quick fix (sửa nhanh bức ảnh), Undo (phục hồi), Redo (làm lại thao tác vừa phục hồi), Revert to orginal (đưa ảnh trở về trạng thái nguyên thủy), Delete (xóa ảnh). Bên dưới thanh công cụ là một ô có dòng chữ Type caption here, bạn có thể nhập tiêu đề bức ảnh ở đây. Bên phải bức ảnh là 5 ngôi sao để cho bạn xếp hạng bức ảnh, bên trái có các nút Save as (lưu bức ảnh ra một file khác), Print this photo (in ảnh), E-mail this photo (gửi ảnh qua mail). Khi bạn rê chuột đến phía ngoài cùng bên trái cửa sổ với dòng chữ More Tools, bạn sẽ thấy một hộp công cụ khá chuyên nghiệp nhưng đã bị mờ. Lý do là vì chúng là công cụ của Corel PaintShop Photo 2010 (các ứng dụng trong bộ phần mềm mày có một mối liên kết chặt chẽ với nhau). Khi xử lý ảnh xong, bạn bấm nút Back để quay lại thư viện.
- Videos: khi chọn mục này, thư viện chỉ duyệt file video và đây mới là dạng media chính mà CVS 2010 hỗ trợ tối đa. Khi bấm đôi lên file video nào đó thì trình EE được gọi lên để giúp bạn trong giai đoạn xử lý cơ bản phục vụ cho cả quá trình biên tập phim. Thanh công cụ trên cùng gồm Trim video,
Biên tập phim với CVS:
Đây là chức năng chính của CVS và là thế mạnh bấy lâu nay của phần mềm VideoStudio lừng danh. Để bắt đầu dựng một đoạn phim, trên thanh action bar bạn bấm Create > Movie. Cửa sổ Create Moive hiện ra, hãy đặt tên cho dự án mới này ở mục Project name, chọn tỉ lệ khung hình 4:3 hoặc 16:9 cho phim ở mục Output format, định độ nét cho phim ở mục Project Type (Standard Definition - tiêu chuẩn, hoặc High Definition - chất lượng cao). Cuối cùng, chọn một kiểu nền cho đoạn phim mình sắp biên tập ở mục Select a style, gồm 2 chủ đề là Fun (các style nghệ thuật rất đẹp) và Simple (các style đơn giản). Khi chọn xong, bấm Select photos and videos để sang đưa các thành phần media vào đoạn phim. Thư viện sẽ được CVS gọi lên, kéo những file video và hình ảnh cần thiết vào vùng Media Tray bên dưới và sau đó bấm Go to Movie để tiếp tục.
Bây giờ là khâu quan trọng nhất của quá trình biên tập và dựng phim. Bạn sẽ thấy cửa sổ CVS hiển thị khung hình preview ngay chính giữa, bên cạnh là dãy nút điều khiển cơ bản như Play/Pause, Stop, Next/Previous, Volume, Full screen... Bên dưới là thanh Timeline chứa toàn bộ các frame trong đoạn phim theo trình tự thời gian, ở giữa hai frame kế nhau trong phim chính là các ô (có chữ AB) để bạn chèn hiệu ứng chuyển cảnh. Dưới cùng là thanh Media Tray chứa tất cả những đoạn video và hình ảnh bạn đã chọn để chèn vào dự án. Bạn có thể bấm Add more media ở trên cùng để đưa thêm video vào phim.
Bạn chú ý trong Media Tray còn có nhiều thẻ chức năng khác (thẻ Media mặc định được mở). Bạn hãy mở thẻ Tiles, chọn một kiểu tiêu đề bên dưới, chương trình sẽ hiện một thông báo cho biết vị trí của tiêu đề trên Timeline, bạn hãy bấm đôi lên thông báo đó và nhập vào tiêu đề cho phim của mình. Tiếp đến bạn mở thẻ Soundtrack để chèn vào phần âm thanh nền cho phim bằng cách bấm nút Browse my music và chọn bản nhạc ưa thích, sau đó bấm nút Add. CVS còn hỗ trợ bạn ghi âm giọng nói của mình để làm âm nền cho phim, rất thích hợp khi bạn cần thuyết minh trong phim. Bạn hãy mở thẻ Voice-over, sau đó bấm nút Start recording để bắt đầu ghi âm khi bạn đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, khi ghi âm xong thì bạn chỉ việc bấm Stop recording để dừng lại. Khi đó trên thanh Timeline sẽ xuất hiện phần ghi âm đó, bạn có thể bấm nút Play sound test (hình chiếc microphone) để nghe thử.
Tiếp tục bạn rê chuột đến mục Settings phía phải cửa sổ CVS, một bảng tùy chỉnh hiện ra và bạn có thể chọn hiệu ứng chuyển cảnh (Transitions), Photo duration (thời gian trình diễn một bức ảnh trong phim), nút Sound mix giúp bạn tùy chỉnh phần âm thanh cho phim: trượt về bên phải thì phần âm thanh thuyết minh sẽ to hơn âm thanh của đoạn video, trượt về bên trái thì ngược lại thì âm thanh của đoạn video sẽ to hơn. Bên dưới còn hai tùy chọn là Output format (đã chọn ở bước đầu tiên) và Adjust duration to, bạn chọn một trong hai tùy chọn: Fit music to show (điều chỉnh độ dài phần tiếng khớp với thời gian chiếu phim) và Fit show to music (điều chỉnh thời gian chiếu video khớp với độ dài của âm thanh).
Khi biên tập xong, bạn bấm Output để chương trình dựng phim và xuất ra. CVS cho chúng ta khá nhiều tùy chọn lưu phim như File (lưu thành một tập tin video trên máy tính), Disc (ghi ra đĩa), Device (copy lên thiết bị nghe nhạc cầm tay), và cho phép chia sẻ qua 3 dịch vụ nổi tiếng nhất hiện nay là YouTube, Facebook và Flickr. Bạn hãy chọn một phương thức thích hợp và chỉ việc chờ đợi CVS hoàn tất tiến trình xuất phim.
MAI THÀNH TẤN