Giữ laptop luôn mát mẻ
Việc hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao sẽ làm giảm khả năng chịu đựng và tuổi thọ của các bộ phận bên trong laptop. Và nếu thường xuyên đặt laptop trên giường nệm hay dùng gối thay cho mặt bàn thì vô tình bạn đã chắn các khe hút xả khí làm nhiệt tăng cao. Mặc dù không thể làm tăng khả năng tản nhiệt bên trong cho laptop như lắp thêm quạt ở máy để bàn, nhưng bạn có thể giải quyết triệt để vấn đề này từ bên ngoài. Hãy bắt đầu với cooling pad (thường gọi là đế tản nhiệt) giúp hút khí nóng từ máy ra nhanh chóng hoặc cung cấp thêm gió mát cho laptop qua các quạt dùng năng lượng cổng USB. Đồng thời, quạt bên trong laptop cũng được giảm tải, không phải hoạt động liên tục như trước giúp kéo dài tuổi thọ cho bộ phận này. Dù vậy, bạn không nên sao lãng việc vệ sinh máy. Dùng bình khí nén để thổi sạch bụi bẩn bám trên khe tỏa nhiệt và cánh quạt định kỳ hàng tháng.
Lựa chọn SSD
Với bất kỳ máy tính nào, đĩa cứng luôn là gót chân Achilles, nhất là trong môi trường di dộng, đĩa cứng phải gánh chịu nguy cơ hư hỏng lớn nhất. Điều gì sẽ xảy ra với những phiến đĩa mỏng manh, đầu đọc - ghi và các bộ phận luôn chuyển động khác bên trong đĩa cứng nếu chúng bị va chạm hoặc đánh rơi? Và dĩ nhiên, đĩa cứng truyền thống cũng phát sinh nhiệt trong khi hoạt động. Giải pháp: dùng đĩa cứng dạng rắn (solid-state drive - SSD) được xây dựng trên bộ nhớ flash có khả năng chống sốc ưu việt. Cố gắng tìm SSD cho lần mua sắm kế tiếp hay nâng cấp cho laptop của bạn ngay khi có thể.
Laptop cũng là một quả trứng mỏng manh
Bạn có biết, điều đầu tiên mọi người thường làm khi về phòng sau một ngày làm việc mệt mỏi là vứt ngay laptop xuống giường. Nó sẽ nảy lên ngay lập tức và những nứt vỡ, hỏng hóc rất dễ xảy ra. Luôn dùng cặp đựng laptop có khả năng bảo vệ tốt nhất để hạn chế các nguy cơ này ở mức tối thiểu. Những khi mang laptop không có cặp đựng, tránh đè mạnh lên phần vỏ ngoài. Đừng cầm, giữ laptop tại các góc, thay vào đó nên dùng các cạnh bên hoặc ngay giữa. Rất nhiều trường hợp hỏng hóc không đáng có được ghi nhận do cách xử lý thiếu cẩn trọng.
Tiếp sức cho pin
Pin laptop tiêu chuẩn được thiết kế để hoạt động trong khoảng 500 lần sạc / xả, giữa chu kỳ 18 tháng đến 3 năm sử dụng thông thường. Để tận dụng tốt nhất số lần sạc / xả này, hãy tháo pin ra khỏi laptop nếu bạn luôn dùng điện ngoài và bạn tin rằng nguồn điện này được duy trì liên tục. Còn khi dùng pin, hãy sử dụng cho đến khi nhận được cảnh báo pin thấp (dưới 10%) rồi sạc cho đến khi pin đầy. Nó sẽ giữ số lần sạc lại ở mức thấp nhất (nên nhớ bạn chỉ có khoảng 500 lần). Nhiệt độ cũng là nguyên nhân rút ngắn vòng đời của pin. Giữ nhiệt độ ở mức thấp nhất khi dùng và bảo quản pin.
Chế độ chờ (Standby) là tính năng được rất nhiều người ưa thích, nó giúp khởi động hay tắt máy gần như tức thì. Tuy nhiên, trong trạng thái chờ, máy vẫn âm thầm tiêu thụ năng lượng từ pin dù bạn không sử dụng. Chế độ ngủ đông (Hibernate) là sự thay thế tốt nhất trong trường hợp này. Tuy mất thêm vài giây so với chế độ chờ nhưng nó thân thiện hơn với pin của bạn cũng như việc tắt máy (Shut Down) vậy.
Định dạng lại đĩa cứng
Theo thời gian, Windows sẽ trở nên nặng nề bởi các tập tin rác, các khoá Registry lỗi là những phần còn sót lại sau khi gỡ bỏ chương trình... và có thể cả virus, spyware. Định dạng và cài lại hệ điều hành là cách giải quyết triệt để nhất vấn đề này. Trong hầu hết trường hợp, nhà sản xuất đều tích hợp sẵn bản khôi phục Windows trên một phân vùng đĩa cứng, bạn chỉ cần khởi động chương trình phục hồi và thực hiện theo các bước trên màn hình để khôi phục hệ điều hành. Trước khi làm, hãy chắc chắn các dữ liệu của bạn đã được sao lưu cẩn thận. Thuận tiện hơn, các tiện ích sao lưu, phục hồi như Genie Backup Manager Pro sẽ giúp bạn sao lưu toàn bộ dữ liệu cùng các thiết đặt đang dùng tốt và hoàn trả lại như trước thật nhanh chóng sau khi khôi phục Windows. Một hệ điều hành tươi mới sẽ giúp cho máy tính của bạn chạy nhanh và ổn định hơn, cũng có nghĩa là tăng thêm hiệu quả sử dụng.
NGUYỄN CÁT ĐĂNG