VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Giải trí trực tuyến khát nhân lực


Được trả lương để... chơi game

Hơn 12 giờ trưa, quán AQ nhộn nhịp các nhân viên của VinaGame - một doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến - đến ăn trưa. Họ tụ lại và sôi nổi bàn chuyện đối phó với nạn hacker (chiếm nhân vật và cướp các món đồ trong game), keylogger (cài phần mềm gián điệp để lấy cắp mật khẩu của người chơi)...

Họ là các GM (Game Master - nhân viên kiểm soát trong game) của công ty. Công việc chính của họ là đăng nhập vào game để thực thi nhiệm vụ của một “cảnh sát trị an”: cấm khẩu, bắt giam, xóa tên nhân vật... đối với những trường hợp người chơi cố tình “làm ô nhiễm” môi trường game như chửi tục, cuồng sát, chơi gian lận... Họ cũng có trách nhiệm hướng dẫn người chơi và giải đáp thắc mắc.

Ngoài ra, GM còn điều hành các hoạt động ngoài game (offline); tổ chức nội dung website và diễn đàn của trò chơi. Dạo gần đây rộ lên các hình thức lừa đảo, lấy cắp mật khẩu, tài khoản trong trò chơi trực tuyến nên người chơi càng biết đến GM nhiều hơn với vai trò người “thực thi công lý” qua việc khôi phục mật khẩu, nhân vật hoặc các món đồ trong game.

Thật ra, GM chỉ xuất hiện trong game dưới vai trò “quan sát viên”, vì nhiệm vụ của họ là duy trì trật tự cho một xã hội ảo trong trò chơi trực tuyến và hơn nữa, nhân vật của họ trong game không thể tương tác với thế giới trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến đều có biện pháp để kiểm soát quy trình làm việc cũng như hạn chế tối đa sự lạm dụng quyền hạn của GM trong game.

Những đặc thù nêu trên đã khiến GM trở thành một công việc khá khó khăn và vất vả bởi lẽ ngoài việc am hiểu về game, họ còn phải biết ứng xử ôn hòa, khéo léo; có khả năng phân tích và am hiểu các quy tắc hành xử trong thế giới ảo.

Ông Trịnh Bảo, Giám đốc điều hành trò chơi của Công ty VinaGame, cho biết yêu cầu tuyển dụng đối với một GM là phải biết chơi game và điềm tĩnh. “Người chơi thường chỉ liên lạc với GM khi có bức xúc nên họ ít giữ được bình tĩnh. Nếu GM không biết kiềm chế thì rất dễ xảy ra chuyện lạm quyền trong hành xử”, ông Bảo nói.

Nếu GM được mệnh danh là “cảnh sát trị an” thì GP (Game Planning) sẽ góp phần làm cho trò chơi trực tuyến thêm sinh động, với các sự kiện được tổ chức trong và ngoài game. Thuở ban đầu của trò chơi trực tuyến, các doanh nghiệp gần như không cần đến vị trí GP nhưng hiện tại, khi sự cạnh tranh giữa các nhà phát hành trò chơi trực tuyến ngày càng gay gắt thì GP trở nên có giá. Nhân viên GP sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch, viết kịch bản các sự kiện tổ chức trong và ngoài game; điều phối hoạt động giải trí cho người chơi; thậm chí còn quản lý, hướng dẫn cho nhóm nhân viên hỗ trợ khách hàng.

Ngoài ra, các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến còn cần đến một đội ngũ về kỹ thuật như lập trình viên, thiết kế, quản trị web, thử nghiệm game bên cạnh các nhân viên dịch thuật, tiếp thị, chăm sóc khách hàng...

Tìm người khó như "đãi cát tìm vàng"

Trước lúc phát hành game mới, các công ty đều ráo riết bổ sung nguồn nhân lực, với số lượng nhân viên cần tuyển lên đến hàng trăm người...

Vừa qua, VinaGame đã đăng tuyển gần 100 người cho khoảng 20 vị trí và dự kiến đến cuối năm, tức chỉ sau hơn hai năm hoạt động, công ty sẽ phát triển khối nhân sự lên khoảng 400 người. Asiasoft cũng cần khoảng 40 nhân viên trong thời gian chuẩn bị phát hành game Hiệp khách giang hồ. FPT tuy không đưa ra game mới nhưng cũng có nhu cầu tuyển dụng bổ sung khoảng gần 50 người trong cùng thời gian.

Theo các nhà tuyển dụng, trò chơi trực tuyến mang tính cộng đồng cao nên yếu tố cạnh tranh thu hút khách hàng của một game giờ đây không chỉ ở nội dung hấp dẫn, đồ họa ấn tượng mà còn ở các hoạt động ngoài game. Đây là lý do khiến các nhà cung cấp gần đây đã liên tục tổ chức sự kiện, mở chiến dịch khuyến mãi và còn tính đến phát triển thương mại điện tử trong trò chơi trực tuyến. Chính những hoạt động sôi nổi này đã gây đột biến nhu cầu việc làm ngành giải trí trực tuyến.

Vì thế, nhân lực cho ngành giải trí trực tuyến gần như lúc nào cũng bị thiếu hụt. Hiện tại, các nhà cung cấp trò chơi trực tuyến đang cần những nhân viên chuyên nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên vấn đề nan giải là nhiều chức danh tuyển dụng chưa có trên thị trường lao động, cũng không có trường lớp đào tạo.

Công ty VinaGame cho biết một số vị trí hiện rất khó tuyển như phụ trách dự án phát triển game mới; chuyên viên dịch thuật Hoa - Việt, Hàn - Việt; phụ trách pháp lý liên quan đến game, công nghiệp phần mềm và Internet.

Theo Công ty Asiasoft, hiện nay các nhà cung cấp đều đau đầu với kế hoạch phát triển game vì tìm được người chuyên trách việc này không khác gì "đãi cát tìm vàng". Đây là những nhân viên vừa có hiểu biết về trò chơi trực tuyến, vừa có kỹ năng hoạch định, tổ chức các sự kiện trong và ngoài game, đồng thời phải có khả năng theo dõi, quản lý diễn đàn và xây dựng cộng đồng game thủ.

Cơ hội việc làm rộng mở trong ngành giải trí trực tuyến như vậy, nhưng nhiều bạn trẻ lại tỏ ra e dè, thờ ơ. Phần lớn số bạn trẻ đang làm việc ở các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến đều là sinh viên kiếm việc làm thêm và họ chưa có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Điều này cũng không quá khó hiểu bởi xã hội vẫn cho rằng ngành giải trí trực tuyến là một nghề... ăn chơi.

Một số người đang làm việc cho các công ty game cho biết thêm tuy nhu cầu việc làm cao nhưng mức lương lại không cao so với tính chất công việc, và quan trọng là không có định hướng cho tương lai.      

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn