Nếu giờ đây, khi các máy PDA “giá giảm, chất lượng tăng” (LBVMVT số 193), khiến bạn có ý định dùng nó làm phương tiện làm việc và giải trí di động thật sự nhỏ gọn thì bài này sẽ cung cấp cho bạn một số kinh nghiệm để chọn mua cho mình một chiếc PDA phù hợp.
Khi chọn mua, có thể bạn sẽ thấy choáng ngợp trước những tính năng quản lý lịch làm việc, thông tin đối tác... Ngoài ra, nhiều loại tích hợp khả năng chơi game, nghe nhạc, xem video, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, kết nối bluetooth, Wi-Fi nhiều chế độ... Tuy nhiên, khi mua, người tiêu dùng nên tập trung để ý các đặc điểm sau:
1. Hệ điều hành
Phần lớn các PDA chạy trên một trong hai hệ điều hành phổ biến là Palm OS của hãng PalmSource (hiện là chi nhánh của công ty Access - Nhật Bản) và Windows Mobile OS của Microsoft. Một số khác dùng Blackberry của Research In Motion.
Thiết bị BlackBerry dùng phần mềm BlackBerry Enterprise Server khá đắt đỏ để đồng bộ hóa các lịch trình và e-mail với những môi trường phổ biến khác như Microsoft Exchange, Outlook hoặc Lotus Domino, Notes. BlackBerry có thể gửi và nhận e-mail không dây, một số mẫu mới có chức năng điện thoại. Không giống Palm và thiết bị chạy Windows Mobile, PDA hiệu Blackberry dùng bàn phím gõ.
Nhìn chung, hệ điều hành Windows Mobile (bản mới nhất là version 5) trông khá giống với Windows trên PC, có khả năng chạy đồng thời nhiều ứng dụng dù chỉ có một chương trình hiện ra trên màn hình khi sử dụng. Trong khi đó, Palm OS phải tắt một ứng dụng trước khi mở ứng dụng khác. Và vì vậy, Windows Mobile cần nhiều bộ nhớ hơn Palm OS. Các PDA dùng bản 5 của hệ điều hành này thường đi kèm ROM và RAM khoảng 64 MB.
2. Bộ xử lý trung tâm (CPU)
Dòng vi xử lý XScale ARM của Intel đã đi đầu trong lĩnh vực này. Vi xử lý mới nhất thuộc họ PXA27x (trước được đặt tên hiệu là Bulverde) có thể đạt tốc độ 624 MHz.
3. Bộ nhớ
Các chức năng tổ chức cơ bản như đặt lịch hẹn, báo giờ, danh sách liên lạc, công việc phải làm, ghi chú... không làm tốn nhiều bộ nhớ, chỉ chừng 32 MB RAM là đủ. Tuy nhiên, phần mềm của các hãng thứ 3 mới tiêu tốn bộ nhớ, khiến bạn cần đến loại có RAM nhiều hơn, chừng 64 MB trở lên. Bạn có thể dùng loại PDA chấp nhận thẻ nhớ ngoài.
Các ứng dụng trên thiết bị chạy Windows Mobile yêu cầu nhiều bộ nhớ hơn, nhất là nếu dùng PDA để nghe nhạc hay xem phim. Chúng thường có hai loại bộ nhớ trong là RAM và ROM dạng flash. Bộ nhớ ROM là nơi PDA chứa hệ điều hành và dữ liệu quan trọng. Nếu pin cạn hoặc máy đột ngột “tắt điện”, dữ liệu trong ROM không bị mất đi. Còn RAM thì yêu cầu năng lượng - nếu pin hết, dữ liệu trong đó sẽ mất. Các phần mềm đều chạy trên RAM nên nếu dùng nhiều chương trình, bạn càng phải đầu tư cho RAM.
Hầu hết các thiết bị dùng Windows Mobile đều có khe cắm thẻ mở rộng. CompactFlash từng là định dạng “thống trị” nhưng giờ đây thẻ SD (Secure Digital) trở nên phổ dụng hơn. Các khe cắm này cũng kết nối với bộ phận đi kèm như camera, MP3, điện thoại hoặc thiết bị nhận tín hiệu GPS.
4. Thiết bị đầu vào (bàn phím hoặc bút cảm ứng)
Các chức năng nhận biết chữ viết tay trên các máy Palm và thiết bị dùng Windows Mobile hiện nay đã cải thiện hơn rất nhiều. Hầu như tất cả các PDA đều hỗ trợ nhận biết chữ viết tay, đi kèm với bàn phím ảo. Một số có bàn phím thực nhưng vẫn hỗ trợ cách nhập dữ liệu trên màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, dòng Treo phổ biến của Palm (điện thoại lai kết hợp bàn phím) không hỗ trợ nhận biết chữ viết tay dù chúng có màn hình cảm ứng. Nhiều người dùng muốn sử dụng PDA để thay cho máy tính xách tay đều tìm kiếm loại bàn phím của các hãng thứ 3.
5. Kiểu màn hình
Màn hình sáng màu đã trở thành quy chuẩn, ngay cả đối với PDA cấp thấp nhất. Độ phân giải màn hình là tiêu chí tạo nên sự khác biệt trong các dòng sản phẩm. Màn hình trên thiết bị dùng Windows Mobile từng được coi là có độ phân giải cao nhất (QVGA hoặc 1/4 VGA với 320x320 pixel), nhưng một số PDA dùng Palm OS giờ đây cũng có độ phân giải tương đương hoặc thậm chí là 320 x 480 pixel.
Không phải tất cả các màn hình màu đều như nhau. Màn hình trên các máy giá rẻ thường cho hình ảnh không sắc nét bằng máy giá cao hơn. Đó là lý do tại sao bạn nên kiểm tra model trước khi mua.
6. Pin
Các PDA đời mới luôn tích hợp pin sạc cáp hoặc sạc bằng đế. Thời lượng dùng pin phụ thuộc vào độ lớn và độ sáng của màn hình, các ứng dụng chạy trên máy và vào việc khách hàng có kết nối Wi-Fi hay không. Thời lượng này dao động từ 2 đến 10 giờ.
7. Camera
Nhiều PDA hiện nay có tích hợp camera như trong các loại điện thoại di động dùng bộ phận chụp ảnh, quay phim khác. Người dùng có thể chụp khá nhanh với độ sáng vừa phải. Độ phân giải dao động từ VGA (640 x 480 pixel) đến 1 - 2 megapixel. Tất nhiên, không nên mong chờ chất lượng hình đẹp như trên máy ảnh số.
8. Định vị toàn cầu GPS
Với sự thành công của hệ thống định vị toàn cầu được cài trong xe hơi, một số hãng, nổi bật nhất là Garmin International, đã chế tạo PDA có bộ phận thu GPS và phần mềm hỗ trợ. Người dùng sẽ nhận được thông báo về hướng đi bằng giọng nói và bản đồ. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa có cơ hội dùng GPS và Wi-Fi trên một máy duy nhất. Nếu muốn có cả hai, hãy dùng bộ thu tín hiệu GPS của hãng phát triển thứ 3. Người dùng cũng có thể kết nối thiết bị thu này với PDA thông qua khe cắm thẻ nhớ CompactFlash hay SD card, hoặc bluetooth.
Trên thị trường Việt Nam, PDA đã xuất hiện từ khá lâu. Những “cục gạch” đầy tính năng khi mới ra mắt có giá tới vài chục triệu đồng. Điểm yếu bắt sóng điện thoại kém đã được khắc phục trong nhiều model gần đây. Giới chơi PDA có thể tìm đến O2, Pocket PC, iPaq, PalmOne... để quản lý công việc một cách tiện dụng và hiệu quả, đồng thời thể hiện sự “sành điệu” của chủ nhân.
PHẠM NGỌC THẮNG