Đôi nét về các loại card PCMCIA
PCMCIA là phần viết tắt của cụm từ Personal Computer Memory Card International Association (Hiệp hội quốc tế thẻ nhớ máy tính cá nhân). Hiệp hội này đã phát minh ra chuẩn card PCMCIA vào năm 1989. Đến năm 1990, trên thị trường đã có 2 loại card theo chuẩn này, vài năm sau đó có thêm loại thứ 3. Tùy theo từng loại mà bề dày của nó có thể là 3,3 mm, 5 mm và 10,5 mm nhưng cùng chiều rộng 54 mm, còn chiều dài thì không cố định (nhưng phải dài hơn chiều dài của khe cắm PCMCIA, nghĩa là dài hơn 85,6 mm), dùng nguồn điện 3,3 V hoặc 5 V, và có đường giao tiếp dữ liệu là 16-bit hoặc 32-bit. Đầu card tiếp xúc với khe cắm PCMCIA được bố trí 68 lỗ cắm nhỏ (68 pins, giống đế cắm CPU socket 478 trên mainboard máy tính để bàn) trên 2 hàng chân. Đầu còn lại thường nhô ra ngoài để giao tiếp với thiết bị (bắt sóng không dây, ngõ cắm USB, IEEE 1394...) hoặc không có gì cả (loại card chứa chương trình hay bộ nhớ mở rộng). Chính vì vậy mà kích thước chiều dài của nó không cụ thể.
Loại card có bề dày 3,3 mm được dùng phổ biến nhất. Trước đây nó thường dùng cho việc nâng cấp bộ nhớ RAM ở các máy tính laptop đời cũ, nhưng về sau việc làm này có thể thực hiện trực tiếp bằng cách lắp thêm RAM nên nó được dùng cho card mạng không dây (wireless), tích hợp card xem tivi và bắt hình (capture) vào máy tính laptop, và mới nhất là tạo khe cắm IEEE 1394 hay khe cắm cổng USB (phát triển vào tháng 4/2001). Với những chức năng như vậy, nó luôn giữ vai trò quan trọng khi bạn có ý định mở rộng chức năng của máy tính laptop. Hai loại còn lại do có bề dày lớn nên về sau không được sản xuất nữa, và cũng không tìm thấy trên thị trường.
Trong quá trình phát triển, cải thiện, và tối ưu hóa sản phẩm, loại card này đã trải qua các phiên bản: 1.0, 2.0, 2.01 (card tạo cổng cắm ATA), 2.1, 5.0, 5.01, 5.04, 6.0, 7.2 (card mạng không dây), 8.0 (tạo khe cắm USB hoặc IEEE 1394) với tốc độ truyền dữ liệu từ 10 - 132 megabytes/giây. Tuy nhiên, do có tính tương thích lùi nên tất cả các loại card này đều dùng được cho các máy tính laptop có khe cắm PCMCIA phiên bản thấp hơn.
Ngoài tên gọi PCMCIA, loại card này còn được gọi với các tên PC card (Personal Computer card), CardBus (bắt đầu gọi từ PCMCIA phiên bản 5.0 trở về sau, thể hiện qua các chức năng: thu sóng không dây, sóng tivi...), CardBay (từ năm 2001, ở phiên bản 8.0 với chức năng tạo khe cắm USB 2.0 hoặc IEEE 1394).
ExpressCard sẽ thay thế PCMCIA?
Phát minh ra chuẩn card PCMCIA được xem như là một phát kiến trong ngành khoa học máy tính. Tuy nhiên, sang năm thứ 16, tức năm 2004, khi mà chuẩn USB 2.0 và PCI Express đang lên ngôi, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một phát kiến cho chuẩn card mới, đó là ExpressCard. Về kích thước, ExpressCard cũng có bề dày 3,3 mm nhưng bề rộng ngắn hơn so với PCMCIA, chỉ 34 mm, chiều dài vẫn không cố định. Mặc dù sử dụng nguồn điện thấp hơn (1,5 V và 3,3 V, hoặc 3,3 V và 5 V) nhưng tốc độ truyền tải dữ liệu của nó gấp nhiều lần so với PCMCIA card, nó xuất phát từ tốc độ của USB 2.0 và dừng lại ở tốc độ của chuẩn PCI Express, nghĩa là từ 480 MB - 2,5 GB trên mỗi giây. Tuy nhiên, ở một vài năm đầu, số máy tính laptop có khe cắm ExpressCard chưa nhiều nên card ExpressCard thường có 1 đầu to và 1 đầu nhỏ, đầu to có bề rộng 54 mm để cắm vào khe PCMCIA và đầu nhỏ có kích thước 34 mm theo chuẩn ExpressCard. Ngay sau đó, một số dòng máy tính laptop của các hãng như Sony Vaio (SZ series), Lenovo ThinkPad (T60 series), Fujitsu LifeBook S7110 đã tích hợp ngay khe cắm ExpressCard bên cạnh khe cắm PCMCIA. Cũng trong thời điểm này, thị trường đã bắt đầu xuất hiện 2 loại đầu chuyển đổi (adapter): PCMCIA sang ExpressCard, ExpressCard sang PCMCIA.
Nhiều chuyên gia dự đoán, trong tương lai, ExpressCard sẽ xóa ngôi của PCMCIA bởi những thế mạnh của nó. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi có sự đồng tình của các hiệp hội, các nhà sản xuất máy tính laptop. Hiện nay, trên thực tế nhiều dòng máy tính laptop mới xuất xưởng vẫn có khe cắm PCMCIA.
Lưu ý khi cắm và tháo card PCMCIA
Tùy theo thiết kế của nhà sản xuất máy tính laptop mà số khe cắm PCMCIA có thể từ 1 - 4, nhiều nhất vẫn là loại có 2 khe cắm. Tuy nhiên các loại máy tính laptop đời mới sản xuất trong vài năm gần đây chỉ còn 1 khe cắm để nhường không gian cho các ngõ cắm khác (như: USB, thẻ nhớ, IEEE 1394...) cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Nằm cạnh mỗi khe cắm là một chốt bấm luôn mở khi không cắm card. Do vậy, khi cắm card PCMCIA vào, chốt bấm này sẽ chuyển sang trạng thái đóng và nhô ra ngoài. Đến khi không dùng card này nữa, bạn hãy ấn mạnh chốt bấm này để đẩy mạnh card ra khỏi khe cắm, tuyệt đối không rút card ra khi chốt bấm vẫn còn đóng. Khi cắm và tháo card, bạn hãy thực hiện nhẹ nhàng, kẻo đụng chạm đến những linh kiện khác trong khe cắm của card trên máy tính laptop làm treo máy hoặc chập mạch, dẫn đến hư mainboard hoặc các linh kiện khác.
Đa số các máy tính laptop đều cho phép người dùng lắp và tháo nóng loại card này (nghĩa là không cần phải tắt máy tính), nhưng nếu bạn thấy việc làm này không an toàn, hoặc máy thường bị treo khi thực hiện thì tốt nhất là tắt máy tính đi rồi hãy cắm hoặc tháo card.
Nếu là lần đầu tiên sử dụng card, bạn phải cài đặt đúng driver cho nó, cũng có trường hợp Windows tự nhận và tự cài driver cho nó.
Đối với các loại card tạo đầu cắm USB 2.0, bạn phải dùng sợi dây cấp nguồn kèm theo khi mua card để cấp nguồn cho nó từ cổng USB 1.0 hay 2.0 của máy tính laptop.
Khi dùng loại card tạo đầu cắm để giao tiếp với các thiết bị khác, bạn hãy cắm dây nối dài ngõ cắm đó rồi cắm vào thiết bị cần giao tiếp, không nên cắm trực tiếp thiết bị vào các ngõ cắm trên card, vì khi thực hiện sẽ làm card lung lay, khiến máy tính laptop bị treo. Ví dụ: Khi dùng card chuyển đổi PCMCIA ra USB 2.0, bạn hãy dùng dây nối dài USB (loại ngắn kèm theo khi mua card này) để cắm vào card trước, sau đó cắm card vào khe cắm PCMCIA của máy tính laptop, cuối cùng cắm đầu còn lại của dây nối vào đĩa flash USB hay đĩa cứng di động.
Cao Kiến Nam