VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Màn hình LCD giá rẻ - chọn cũ hay mới


Hiện nay, chỉ cần có khoảng 1 triệu đồng là bạn có thể sắm được màn hình LCD cũ (second hand) dùng cho máy tính, hoặc thêm chừng khoảng 500.000 đồng nữa là “tậu” luôn màn hình LCD mới trong thùng. Nếu mua màn hình LCD cũ, bạn đừng ngại đề nghị nơi bán thử vài cái để chọn được cái có hình ảnh không bị mờ, màu không nhạt và đủ sáng để không bị mỏi mắt khi sử dụng.

Cân nhắc giữa mới và cũ

Nếu dạo một vòng ở khu “phố máy tính” đường Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) và các cửa hàng bán màn hình máy tính cũ nằm xung quanh chợ Nhật Tảo (Q.10), bạn sẽ tìm được loại màn hình LCD 15 inch cũ có giá thấp nhất là khoảng 865.000 đồng (tương đương với khoảng 48 USD). Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy màn hình này cũng trắng trẻo và bóng loáng như những loại màn hình khác. Tuy nhiên, chất lượng của nó thì không thể chấp nhận được! Màu sắc bị nhạt và khá mờ, chỗ sáng chỗ tối. Mỗi cửa hàng chỉ có 1 hoặc 2 màn hình LCD cũ giá “bèo” ở mức này, còn lại đều ở mức cao hơn, từ 1 – 1,3 triệu đồng đối với loại 15 inch, hoặc từ 1,4 – 1,7 triệu đồng cho loại 17 inch với thời hạn bảo hành là 3 tháng, hoặc 1 tháng.

Về nhãn hiệu, nhiều nhất và rẻ nhất là Dell, tiếp đến là HP, Mitsubishi... Đa số đều là hàng nội địa của Nhật Bản, sản xuất trong năm 2003, chỉ có một số ít in năm sản xuất là 2007 (xem trên tem thông tin thiết bị dán ở phía sau màn hình). Chính vì đã sử dụng hơn 5 năm nên đa số màn hình LCD đều bị nhạt màu, mờ, ánh sáng phân bố không đều (chỗ sáng, chỗ tối) nên có thể bạn sẽ thấy mỏi mắt ngay sau vài phút xem hình ảnh hiển thị trên khoảng phân nửa số màn hình đang trưng bày. Trong khi đó, vỏ màn hình trông khá mới, nhưng nếu quan sát kỹ, bạn dễ nhận thấy độ sắc sảo về màu sắc của chúng không cao, do đã bị chà rửa, đánh bóng hoặc sơn lại.

  

Nếu trong túi còn khoảng 1,5 triệu đồng và chấp nhận dùng màn hình LCD 15 inch, bạn có thể ung dung đến các cửa hàng bán linh kiện máy tính lớn để tìm mua màn hình LCD mới giá “bèo” nhưng thời hạn bảo hành từ 2 – 3 năm nên có thể yên tâm sử dụng liên tục cả ngày. Bạn có thể chọn hiệu BenQ T52WA (gần 1,5 triệu đồng), loại này có các chỉ số thấp nhất hiện nay; chẳng hạn: độ tương phản chỉ có 400:1, thời gian đáp ứng 8 mili-giây (ms), độ phân giải 1280x720. Mặc dù màu sắc không được tươi như những loại có độ tương phản và các chỉ số khác cao hơn nhưng vẫn có thể chấp nhận được, hơn màn hình LCD cũ 15 hoặc 17 inch loại có thương hiệu lâu đời và cùng giá. Còn nếu có thêm 300.000 đồng nữa, bạn có thêm một số lựa chọn khác, loại màn hình có kích thước 15,6 hoặc 16 inch mang nhãn hiệu AOC, Samsung.

Như vậy, nếu có khoảng 1,5 triệu đồng, ít ai chọn mua màn hình LCD cũ. Trong trường hợp tài chính eo hẹp, bạn có thể mua LCD cũ xài tạm trong chừng 1 hoặc 2 năm để tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tức là giảm tiền điện hàng tháng phải trả. Ngoài LCD cũ, hiện nay, các cửa hàng vẫn còn bán màn hình CRT cũ, loại 15 inch giá khoảng 300.000 đồng, còn loại 17 inch là 600.000 đồng. Về màu sắc và ánh sáng, bạn dễ chấp nhận hơn là khi chọn LCD. Tuy nhiên, về lâu dài số tiền điện mà bạn phải trả có thể phải từ gấp đôi, gấp ba hoặc hơn nữa so với khi mua và dùng màn hình LCD.

Ngoài việc bán màn hình LCD, một số cửa hàng nhận thu lại màn hình CRT (loại còn lên hình) với giá từ 100.000 - 300.000 đồng. Do vậy, nếu màn hình CRT đang dùng hiển thị hình ảnh bị nhòe, mờ, và bạn muốn tiết kiệm điện nhưng chưa có đủ tiền để sắm màn hình LCD mới thì có thể bỏ thêm vài trăm ngàn đồng và đem màn hình CRT cũ đi đổi màn hình LCD cũ.

Lưu ý khi chọn màn hình LCD cũ

Như đã đề cập ở trên, hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD cũ thường bị nhạt màu và mờ. Nếu LCD hiện hình ảnh bị nhạt màu ít nhưng không bị mờ thì bạn có thể chọn dùng và bỏ qua độ sắc nét của hình ảnh khi xài máy tính. Nhưng nếu LCD cho hình ảnh bị mờ, không rõ ràng thì tuyệt đối không nên miễn cưỡng chọn, kẻo hư mắt khi sử dụng.

Để kiểm tra độ mờ, bạn có thể bấm menu Start và quan sát xem tên các chương trình và chức năng trên thanh Programs hiển thị có rõ và dễ nhìn (không phải căng hay điều tiết mắt khi nhìn). Trong khi xem, bạn hãy yêu cầu nơi bán điều chỉnh độ tương phản, ánh sáng và màu sắc để so sánh, nếu tất cả các giá trị trong menu điều chỉnh đã ở mức cao nhất mà độ sắc nét mới chỉ tạm chấp nhận được thì không nên chọn mà đề nghị thử cái khác. Tiếp theo, bạn hãy chạy chương trình soạn thảo văn bản WordPad tích hợp sẵn trên Windows, quan sát độ sắc nét của các menu, và gõ một đoạn văn bản để xem, hoặc bấm phím F1 (hoặc menu Help > Help Topics) rồi quan sát các hàng chữ nhỏ trong cửa sổ giúp đỡ của WordPad vừa hiện ra. Bạn cũng có thể copy nội dung trong cửa sổ giúp đỡ này và paste vào cửa sổ soạn thảo của WordPad rồi định dạng kích thước chữ về dạng thường dùng và để kiểm tra độ sắc nét của chữ.

Để kiểm tra độ sắc nét của hình ảnh, bạn có thể mở các hình nền desktop, thay đổi hình nền desktop... và quan sát màu sắc của các chi tiết trong hình, như cây màu xanh, hoa màu đỏ hoặc vàng... Ngoài ra, bạn có thể tận dụng màu nền trắng của cửa sổ soạn thảo WordPad để tìm xem màn hình có các điểm chết màu đen, rồi tìm một hình màu đen để kiểm tra các điểm chết màu trắng. Các cửa hàng bán màn hình LCD cũ đều cho biết, trong thời gian 3 tháng bảo hành, nếu màn hình bị hư hoặc có từ 3 điểm chết trở lên thì sẽ đổi màn hình khác.

Để nhận biết vỏ màn hình đã được chà rửa và đánh bóng hoặc sơn lại hay không, bạn có thể quan sát độ sắc nét của hàng chữ nhãn hiệu, cũng như các dòng chữ chú thích ngay dưới các nút bấm. Ở các màn hình bị sơn lại, các hàng chữ này sẽ bị lem, hoặc chỉ còn chữ nhãn hiệu, còn những chữ chú thích nút bấm thì đã bị chà mất hoặc quét sơn chồng lên. Bạn có thể bỏ qua việc kiểm tra vỏ màn hình nhưng có thể sẽ gặp khó khăn khi tìm các nút bấm.

TÔN GIA QUYỀN