VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Mánh đổi bảo hành bằng linh kiện cũ


"Với thực tế nhu cầu 1 đổi 1 trong thời gian ngắn nhất, không ít cửa hàng bán lẻ thủ sẵn hàng loạt linh kiện cũ đã được sửa chữa để phục vụ thượng đế", anh Võ Văn Hậu, kỹ thuật viên tại quận Thủ Đức, TP HCM, tiết lộ.

Anh Hậu phân tích, đa phần hàng trữ sẵn này đều đã không còn thời hạn hưởng chế độ bảo hành từ chính hãng. Động thái làm an tâm khách hàng nhất là việc tem dán bảo hành của chính cửa hàng vẫn ghi đúng thời hạn còn bảo hành như sản phẩm lúc nhận vào. Kết quả, người tiêu dùng không hiểu rõ đã bỏ qua tem chính hãng trên sản phẩm cũ.

Bảo hành một thanh RAM (bộ nhớ) Kingmax nhưng khi nhận lại hàng anh Nguyễn Minh Huy, quận 1, TP HCM, lại được một sản phẩm mang thương hiệu khác. Vì có tem mới dán của cửa hàng ghi đúng thời hạn còn bảo hành và thông số dung lượng, tốc độ đúng như sản phẩm cũ của mình nên anh yên tâm ra về.

Người mua không nên an tâm với việc nhận hàng đổi bảo hành chỉ có tem của cửa hàng. Ảnh minh họa: Cao Kiến Nam.

Quyền lợi sử dụng hàng chính hãng người tiêu dùng sẽ không còn nếu được đổi hàng bảo hành bằng những sản phẩm như trên.

Theo anh Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc nhà phân phối linh kiện chính hãng Viễn Sơn, theo nguyên tắc bảo hành, người tiêu dùng phải được trả hoặc đổi sản phẩm hỏng có cùng thương hiệu, mẫu mã, cấu hình tương tự và cùng thời hạn sản xuất. Ngoài ra, trường hợp thiết bị cần bảo hành đã không còn sản xuất thì nhà phân phối sẽ có chính sách hoàn lại tiền hoặc đổi miễn phí một dòng linh kiện mới phù hợp.

Với những thiết bị cũ trên chỉ được dán tem bảo hành của cửa hàng, vấn đề chỉ là nội bộ giữa người mua và nhà bán lẻ. Tình huống éo le dễ xảy ra nhất là người tiêu dùng bị từ chối bảo hành bằng rất nhiều mánh khóe. Bên cạnh đó, họ cũng không thể nào đòi quyền lợi ở nhà phân phối chính hãng.

Lúc này, phần lớn những lỗi theo nguyên tắc không nằm trong phạm vi bảo hành như cháy nổ, rỉ sét, ẩm chip... thường được các cửa hàng bán lẻ lợi dụng để né bảo hành. Trong khi với các hiện tượng này, các nhà phân phối vẫn đồng ý tiếp nhận và sửa chữa miễn phí (nếu vẫn còn khả năng sửa), nhưng điều kiện thiết yếu là tem chính hãng của khách hàng đã không còn. Ngoài ra, các sản phẩm cũ trên cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn và không ít trường hợp khiến người tiêu dùng phải quay đi trở lại chỉ với việc đổi sản phẩm.

"Xoay vòng và không từ bỏ bất kỳ linh kiện cũ nào là cách làm phổ biến hiện nay của rất nhiều cửa hàng bán lẻ", anh Nguyễn Thanh Nam, kỹ thuật viên tại quận 7, TP HCM, chia sẻ. Bởi các cửa hàng chỉ cần cố gắng sửa chữa và tìm mua những linh kiện dạng này để dành cho khâu bảo hành là đã có thể kiếm được khá khẩm từ việc tận dụng tối đa này.

"Có thể mất thời gian nhiều hơn nhưng nếu bảo hành trực tiếp từ nhà phân phối người tiêu dùng sẽ được an toàn", chị Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng kinh doanh Công ty MBcomputer, chuyên phân phối linh kiện tại các tỉnh miền Tây khuyên.

Nếu không thể đến trực tiếp nhà phân phối, khách hàng nên yêu cầu nơi bán đổi hàng có đầy đủ tính năng bảo hành từ chính hãng mà trước đó mình đã gửi bảo hành. Cụ thể là bên cạnh tem bảo hành cửa hàng, bạn cần phải thấy rõ tem bảo hành chính hãng vẫn có thông số thời hạn như sản phẩm trước đó.

Mai Huy - Vnexpress