VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nắm bắt vẻ đẹp của bình minh và hoàng hôn


Nếu muốn nhanh chóng cải thiện kỹ năng chụp phong cảnh, bạn hãy bắt đầu chụp ở hai thời điểm này. Những người chụp lâu năm vẫn phàn nàn nhiều bạn trẻ “ngủ nướng” mà không chịu dậy sớm để đón đúng lúc mặt trời lên. Đơn giản là ở hai thời điểm mặt trời mọc và lặn, góc chiếu của ánh sáng trở nên hẹp hơn, màu của ánh sáng cũng vàng óng và đậm đà, có đường nét, các bóng chiếu cũng dài ra và trở thành một yếu tố hấp dẫn của khung cảnh, các bề mặt được chiếu tập trung.

Khi mặt trời ở gần đường chân trời, người chụp sẽ có nhiều lựa chọn góc chiếu sáng cho vật thể. Ví dụ, khi bạn quay lưng lại phía mặt trời để chụp, vật thể sẽ được chiếu sáng ở phần trước; còn khi xoay ngang vuông góc, đối tượng được chiếu ở cạnh bên; lúc xoay chính diện vào mặt trời, bạn sẽ được ảnh ngược sáng dạng hình bóng (silhouette) ấn tượng.

So sánh giữa ánh sáng giữa trưa và bình minh

Hai bức ảnh trên được chụp ở thác Victoria (tại Zimbabwe) - thác nước lớn nhất trên thế giới. Bức thứ nhất chụp vào lúc 11 giờ sáng, cũng rất đẹp bởi có cầu vồng. Tuy nhiên, ngoài cầu vồng, không gian của bức ảnh không có được vẻ huyền bí của bức thứ 2 - chụp vào lúc bình minh. Bởi lẽ, ánh sáng trên cao của lúc giữa trưa mang lại góc sáng quá lớn, quá ôm trùm nên các góc cạnh không được nổi bật.

Trong khi đó, chỉ vài phút sau khi mặt trời lên, thác nước đã được phủ bằng một màu vàng óng nên thơ.

Thiết kế gờ cạnh và màu sắc

Bạn nên tận dụng ánh sáng của bình minh và hoàng hôn bởi chúng chiếu vào các gờ, cạnh rất sắc sảo. Các bức ảnh trên được chụp ở vùng núi Canyonlands (của Utah). Bức đầu tiên chụp vào ngày trời nhiều mây có ánh sáng tản và mềm mại. Bức thứ hai chụp lúc hoàng hôn, chỉ 10 phút trước khi mặt trời lặn và ánh sáng chiếu các cạnh của hẻm núi bằng thứ ánh sáng vàng óng ấn tượng, khiến khung cảnh trông nghệ thuật hơn.

Chọn bình minh hay hoàng hôn?

Màu sắc và những đám mây lúc bình minh hay hoàng hôn đều có màu sắc và hình dáng kỳ ảo. Dù vậy, có những thời gian bạn sẽ thấy lúc bình minh bầu trời như trong sáng hơn, còn hoàng hôn sở hữu mảng màu đậm.

Đụn cát trong lúc hoàng hôn cho màu sắc đậm đà và bóng dài ấn tượng

Hoàng hôn là lúc bạn sẽ tìm thấy các bố cục tốt khi mặt trời xuống sâu đường chân trời, các mảng tối đổ xuống và nhiều vật thể có hình bóng hiện lên đậm hơn chứ không còn rõ nét chi tiết. Đây là cơ hội sáng tác những bức ảnh silhouette lãng mạn.

Bóng người đi xe đạp trên nền trời mây rực rỡ

Chân dung thiếu nữ như hình cắt giấy thường thấy ở các gian hàng nhỏ tại chợ đêm (Hà Nội)

Bình minh không tạo ra những cái bóng đổ dài. Bạn sẽ không biết được phong cảnh sẽ thế nào khi mặt trời lên và rất khó đặt máy. Do đó, khi mặt đất vừa được ánh sáng chiếu, bạn phải nhanh chóng đi tìm bố cục đẹp nhất. Không như hoàng hôn, mỗi phút lúc bình minh trôi qua lại khiến ánh sáng thêm tệ hơn. Chỉ khoảng 20 - 30 phút đầu tiên là đẹp, còn sau đó vẻ kỳ ảo sẽ biến mất. Lợi thế của bình minh là đôi khi bầu trời vẫn còn hơi sương, khiến không gian rất mờ ảo, như chốn thần tiên.

Mặt hồ vẫn đầy hơi sương khi mặt trời lấp ló

Giây phút quyết định bấm máy

Khoảnh khắc bấm máy lúc bình minh hay hoàng hôn chính là khi mặt trời ló ra sau một đám mây hay phản chiếu một vật thể trong không gian.

Vách núi này được mặt trời chiếu vào, tạo nên sự tương phản màu sắc quyến rũ

Đôi khi cơ hội chụp được cảnh đẹp qua đi rất nhanh và chỉ những người chịu khó để ý mới nhận thấy. Do đó mới có chuyện cả một đoàn đi chụp, lúc về so ảnh mới thấy những khoảnh khắc kỳ lạ phải chịu khó nán lại mới có được.

Một chú ý khác là khi chụp trong lúc bình minh, hoàng hôn hay lúc chạng vạng tối, bạn nên để cân bằng trắng ở mức “daylight”. Nhiều người để “auto” nhưng đây là một sai lầm bởi chế độ auto sẽ tự động chỉnh các tông màu vàng của ánh sáng, khiến chúng trở nên sáng hơn, mất đi hơi thở của những thời điểm này.

PHAN ANH (theo Photographic)