VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nâng cấp cho netbook


Trong thời gian trở lại đây, netbook nổi lên như là một trong những thiết bị chiếm ưu thế đối với những người có nhu cầu di chuyển cao. Netbook ngày càng trở nên tiện dụng hơn khi cấu hình nó được cải thiện nhiều so với những ngày đầu ra mắt.

Vậy những chiếc netbook đời cũ thì sao? Chẳng lẽ bạn bỏ chúng đi để sắm máy mới ư? Với bài viết sau, bạn có thể tham khảo một số biện pháp nâng cấp cho netbook của mình, thay vì bỏ chúng đi một cách lãng phí.

Tăng thời gian hoạt động cho netbook

Những ngày đầu, những chiếc netbook sử dụng phổ biến loại pin 4 cell, cho thời gian sử dụng khoảng hơn 3 giờ. Giờ đây đã có những netbook kéo thời gian hoạt động của pin lên đến 12 tiếng đồng hồ - một con số khá ấn tượng. Có nhiều phương pháp nâng cấp pin cho netbook, cách tốt nhất là bạn vào trang mua bán trực tuyến ebay, có thể sẽ kiếm được những pin netbook loại 8 cell, cho thời gian hoạt động của pin gấp đôi mà an toàn, hoặc có thể chọn loại pin cung cấp năng lượng 77 watt/h.

Việc thay pin cho netbook khá đơn giản, bạn lật ngược chiếc netbook và tìm xuống dưới hai biểu tượng có nút khóa, mở ra và lấy pin cũ, xong lắp pin mới vào là xong.

Nâng cấp hệ điều hành

Việc nâng cấp hệ điều hành mới yêu cầu bạn phải có một ổ đĩa quang kết nối với netbook qua cổng USB, hoặc có một bộ cài đặt chép vào USB. Trước khi cài đặt, bạn phải đảm bảo ổ cứng của netbook đáp ứng đủ các yêu cầu về dung lượng của hệ điều hành muốn cài. Nếu không đủ, bạn có thể sử dụng những phần mềm tăng / giảm dung lượng đĩa cứng như Gparter chẳng hạn. Hiện tại, phiên bản Windows 7 phát hành riêng cho netbook vẫn chưa xuất hiện nên bạn có thể nâng cấp từ Linux (vốn sử dụng phổ biến ở netbook đời cũ) lên Windows XP là tốt hơn cả (Vista bị chê về mức tiêu hao năng lượng pin).

Sắp xếp lại bàn phím

Có vẻ như đây chuyện không làm được bởi đã là một bàn phím trên netbook thì bạn phải theo sự sắp đặt của nó. Tuy nhiên, cách bố trí bàn phím trên netbook khác xa với bàn phím máy để bàn sẽ tạo cho bạn một cảm giác khó chịu, không quen. Có một phần mềm khá hay là Sharp Keys sẽ giúp bạn gán các ký tự cũng như tổ hợp bàn phím theo ý thích của mình sao cho gần gũi và tiện lợi bạn nhất.

Nâng cấp ổ cứng

Những ổ cứng thời gian đầu loại SSD có dung lượng lưu trữ có thể nói là quá nhỏ (từ 4 đến 16 GB), gây khó khăn khi bạn muốn lưu dữ liệu lớn. Bạn có thể sử dụng flash USB làm ổ đĩa lưu trữ dữ liệu, nhưng không có gì tốt hơn ổ cứng có sẵn trong netbook của bạn, do đó, tốt nhất bạn nên mua một ổ cứng mới có dung lượng lớn hơn để thay cho ổ đĩa cũ. Lưu ý khi thay thế, bạn phải thực hiện thao tác cẩn thận vì vốn dĩ thông thường ổ cứng trong netbook được sắp xếp gần với những thiết bị là card mạng, RAM và thẻ 3G (nếu có). Sau khi tháo ổ cứng SSD ra, bạn phải nhẹ nhàng chèn ổ mới vào và hãy nhớ siết chặt ốc bảo vệ cho ổ cứng mới. Tốt nhất, việc này nên nhờ một người có tay nghề thực hiện cho bạn.

Nâng cấp RAM

Thời gian đầu, RAM netbook khá khiêm tốn với dung lượng khoảng 512 MB, con số này là không phù hợp nếu bạn muốn chạy các hệ điều hành như Win XP, Win 7... Bạn có thể chọn thanh RAM 1 GB, nhưng tốt nhất hãy bỏ thêm chút tiền mua thanh RAM 2 GB để tạo cho netbook khả năng xử lý các tác vụ. Và cũng cần lưu ý, RAM của netbook là SODIMM (thanh loại nhỏ), và là loại DDR2 4200 đến DDR2 5300. Loại DDR2 6400 rất ít được hỗ trợ bởi bo mạch chủ sản xuất thời điểm đó. Vị trí đặt RAM thông thường nằm ngay cạnh vị trí ổ đĩa cứng và rất dễ nhìn thấy.

Ép xung bộ xử lý

Việc ép xung bộ xử lý cũng giúp hệ thống chạy nhanh hơn, nhưng cũng giống như máy tính để bàn, bạn cần cẩn thận trong quá trình khai báo các thông số. Khi ép xung, bạn nên kiểm tra liên tục, chỉ cần hệ thống có một vấn đề nào đó xảy ra, bạn hãy lập tức trả về trị số cũ vì đây là dấu hiệu CPU của bạn không tải nổi rồi đó. Khi ép xung, bạn cần tham khảo thông tin từ những người có kinh nghiệm, tốt nhất là nhờ những chuyên gia lành nghề thực hiện.

THÚY CHINH