VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Người vẽ nên ngàn khuôn mặt


Nhắc đến một bộ phim, thông thường người xem chỉ nghĩ đến diễn viên, đạo diễn chứ ít ai biết đến những con người thầm lặng sau ống kính máy quay như nhân viên khói lửa, ánh sáng, hóa trang, phục trang... Chị Huỳnh Thanh Bình, một chuyên gia hóa trang kỳ cựu của Hãng phim Giải phóng là một trong số đó.

Hóa trang khác với điểm trang

Cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, Hãng phim Giải phóng mở lớp trung cấp hóa trang điện ảnh. Hai mươi người theo học khóa này và đến giờ, chỉ còn chị Thanh Bình và một chị nữa bám trụ cùng nghề. Với nam giới sức dài vai rộng, việc vác ba lô theo đoàn phim ròng rã hàng tháng trời đã vất vả trăm bề, huống chi nữ...

Cực nhất với Thanh Bình là những hôm quay đại cảnh trong Dưới cờ đại nghĩa, khi chị và hai phụ việc mỗi ngày phải hóa trang cho hàng chục người, hết lượt này đến lượt khác, từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Từ phim Cánh đồng hoang đến Dưới cờ đại nghĩa rồi Mùa len trâu, không nhớ nổi bao nhiêu lần chị phải tranh thủ hóa trang ngay trên xuồng dọc đường đến điểm quay.

Tâm sự về nghề, chị Thanh Bình cho biết đội ngũ hóa trang điện ảnh ngày càng đông, song trừ một vài người đã được đào tạo chuyên nghiệp, hầu hết những người làm nghề này chỉ qua những khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật trang điểm. Do không được trang bị những kiến thức cơ bản, nhiều người lầm tưởng hóa trang không khác mấy với trang điểm, chỉ cần võ vẽ biết sơ qua về nghề trang điểm là có thể thành danh với nghề hóa trang điện ảnh.

Sự hời hợt trong nghề nghiệp, theo chị, có thể làm giảm giá trị phim, bởi nó tạo ra một gương mặt diễn viên xa lạ với tâm trạng, tính cách nhân vật trong phim. Đó cũng là trăn trở mà suốt 25 năm gắn bó với nghề, những gì tích lũy được, chị luôn sẵn sàng truyền lại cho các lớp học trò. Có người bảo chị là người khó tính. Nhưng theo chị, sự khó tính, cần mẫn với nghề nghiệp mới giúp người làm nghề phát huy được sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật.

Không được tự bằng lòng

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Thanh Bình có lẽ là lần chị khăn gói cùng đoàn phim Dưới cờ đại nghĩa. Ròng rã gần 2 năm trời, chị băng đồng, lội ruộng, đội nắng từ ngày này qua ngày khác cùng cánh đàn ông. Với chị, hóa trang cho mấy chục gương mặt một ngày vẫn chưa cực bằng lần hóa trang cho diễn viên Quốc Thái sao cho ra một ông già Bảy Viễn, 70 tuổi, dù đã bạc đầu nhưng nét hảo hán vẫn toát ra từ khuôn mặt cho đến ánh mắt.

Đó là lần đầu tiên chị “thực hành” phương pháp hóa trang sử dụng khuôn mặt từng học được từ tài liệu nước ngoài. Trước khi quay thật, chị và Quốc Thái đã bỏ ra rất nhiều ngày để thử nghiệm phương pháp đắp mặt nạ lấy dạng khuôn mặt. Rồi mất nhiều ngày nữa chị cặm cụi hiệu chỉnh từng nếp nhăn trên chiếc mặt nạ đặc biệt đó.

Cũng như nhiều nghề khác, sự học hỏi và sáng tạo không ngừng của nghề hóa trang là tiêu chí hết sức quan trọng. Chị luôn ý thức được điều đó và không bao giờ tự bằng lòng. Những lúc rảnh rỗi, chị lao vào nghiên cứu, tra cứu tài liệu nước ngoài, tìm thông tin trên mạng để bổ sung thêm kiến thức mới cho mình. “Công nghệ hóa trang thay đổi liên tục. Nếu không cập nhật sẽ lạc hậu ngay” - chị nói.

Không đành dứt áo...

Theo nghề hóa trang đơn giản vì kế sinh nhai, gắn bó với công việc tô vẽ, cọ quẹt cũng vì các nhu cầu của cuộc sống. Thế nhưng, tình cảm và sự yêu nghề cứ thế nảy nở dần trong chị. Song với cái nghề “hậu trường” ít người nhớ đến và sự cực khổ của nó đã khiến nhiều khi chị muốn bỏ nghề. Chị nhớ lại những năm đầu khi mới vào nghề, vì ngày nào cũng đi, đứa con trai thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Chị muốn nghỉ việc để chăm sóc con, nhưng không đành bỏ nghề. Đứa con cứ thế phải chập chững bước đi theo mẹ trong suốt quãng đường dài rày đây mai đó cùng đoàn làm phim. Có lẽ nhờ sống xa mẹ từ nhỏ nên cậu bé sớm tự lập và đến nay đã là một kỹ sư công nghệ thông tin.

Tháng 8 này, Thanh Bình lại tạm biệt mái ấm nhỏ của chị, tiếp tục rong ruổi cùng Giá của một thượng đế - phim của Hãng phim Giải phóng, do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện. Bảo rằng đã thấy mệt mỏi, muốn dành thời gian cho gia đình, nhưng qua giọng điệu của chị, người ta biết người phụ nữ ấy vẫn còn nặng nợ với nghề.

Nguồn: Phương Trang - Người lao động