Phần mềm thông dụng nhất hiện nay để phân vùng lại những ổ cứng đang dùng mà không làm mất dữ liệu là Partition Magic. Tuy nhiên phần mềm này cũng chưa phải là hoàn hảo, nó có một số khuyết điểm như: trong trường hợp cứu hộ phải cần đến DOS mà hệ điều hành hiện đại Win XP thì đã bỏ DOS đi rồi, đăng ký CD Key khi cài đặt khá khó khăn, một vài thao tác phân vùng vẫn còn có thể gây nhầm lẫn... Rút kinh nghiệm của người đi trước, phần mềm sinh sau đẻ muộn Acronis Disk Director Suite 9.0 đã khắc phục được những khuyết điểm trên và ngày càng tỏ rõ ưu thế trong việc tái phân vùng ổ cứng. Nếu bạn có ý định thêm hay bớt các phân vùng, hoặc điều chỉnh dung lượng các phân vùng hiện có trên ổ cứng thì thử tham khảo bài viết sau để xem bạn có thể dễ dàng thực hiện công việc này hơn nếu dùng Acronis Disk Director Suite 9.0 hay không.
Có lẽ hãng Acronis dự định đè bẹp Partition Magic 8.05 của hãng PowerQuest nên đã có nhiều cải tiến thật đáng chú ý, như chạy Acronis Disk Director Suite 9.0 cứu hộ bằng một đĩa CD PE (môi trường Windows) mà không phải dùng DOS cổ lỗ sĩ như Partition Magic 8.05, giao diện làm việc thì rất đẹp và dễ thao tác, y hệt như trong Windows quen thuộc. Do vậy, nếu máy tính của bạn đã cài XP mà vì không có MS-DOS nên không dùng được Partition Magic 8.05 cứu hộ, thì nay bạn có thể dùng Acronis Disk Director Suite 9.0 thay thế. Việc này sẽ đem lại một giải pháp tốt nhất để phân vùng lại đĩa cứng cho bạn.
Lưu ý: Nếu bạn mới vừa làm quen với các chương trình phân vùng ổ đĩa thì cho dù đó là những chương trình nổi tiếng không làm mất dữ liệu, vẫn có những nguy hiểm tiềm ẩn. Chẳng hạn như cúp điện đột xuất đang khi làm việc, hoặc ổ C của bạn có lost link, bad link mà bạn không thử tìm trước khi làm phân vùng... Do vậy để cho an toàn, bạn luôn luôn nhớ sao lưu ổ C cũng như các dữ liệu quý lưu trữ vào một nơi nào đó trước khi thực hiện phân vùng lại ổ đĩa của mình. Sao lưu bằng chương trình nào tốt nhất? Câu trả lời là Norton Ghost 8.2 nếu bạn là dân chuyên nghiệp, hoặc Drive Image 2003 nếu bạn chưa thật sự rành về những chuyện này.
Một ưu điểm đáng nói nữa về Acronis Disk Director Suite 9.0 là bạn chỉ cần có CD Key là cài được chứ không như Partition Magic 8.05 phải đăng ký bằng hàng loạt số dài ngoằng qua điện thoại (hoàn toàn không phải dễ làm nếu bạn chưa quen với việc đăng ký bằng loại CDkey phức tạp này).
Đến giai đoạn cuối, bạn sẽ được yêu cầu tạo một CD cứu hộ (Media builder) tự boot. Đĩa này có dung lượng gần 15 MB, do vậy bạn cần chuẩn bị 1 CD-RW để thực hiện. Sau đó bạn có thể dùng UltraISO 752 làm ra file ISO cho đĩa này.
Mở chương trình ra để chạy lần đầu, bạn sẽ thấy chia làm 2 phần rõ rệt: bên trái và phải.
• Phần bên phải: liệt kê các ổ đĩa (phân vùng) hiện có trong đĩa cứng của bạn và bạn chỉ cần bấm chuột phải vào từng ổ đĩa để làm mọi tác vụ thường gặp như Resize (phân lại kích thước) Delete, Format...
Ở phía dưới bên phải, cũng chỉ rõ phân vùng nào là primary (chính yếu tự boot) hoặc logical hay unallocated (chỗ trống mới dời đi chưa có tên).
Khi bạn Delete (xóa) bất cứ phân vùng nào, tên các ổ đĩa sẽ bị đôn lên có thể gây ra lộn xộn khiến bạn sẽ khó nhận ra các phân vùng mang tên cũ. Vì thế bạn nên lập tức tạo ra một phân vùng mới (lệnh Create) ngay sau khi Delete một phân vùng để tránh sự lộn xộn.
• Phần bên trái: liệt kê khá nhiều tác vụ được xếp từ trên xuống như sau:
- Wizard: dành cho các bạn mới bước đầu làm quen với việc phân vùng, qua hướng dẫn từng bước thật dễ dàng như Create Partition (tạo ra một phân vùng mới), Increase Free Space (tạo thêm khoảng trống giữa các ổ đĩa), Copy (chép phân vùng này qua một nơi khác), Recover Partition (phục hồi phân vùng bị xóa trước đó).
- Operations (tác vụ): gồm có Copy (sao chép phân vùng), Move (di chuyển đi nơi khác), Resize (thay đổi kích thước của phân vùng), Change Label (đổi tên ổ đĩa), Format, Delete (xóa), Check (kiểm tra liệu ổ đĩa này có bad link hay không, nếu có, quá trình thực hiện có thể bị ngưng đột ngột), Defragment (chống phân mảnh), Properties (thuộc tính từng ổ đĩa).
- Advanced (cao cấp): gồm có Change Drive Letter (đổi ký tự tên ổ đĩa và bạn không phải vào Windows Explorer hoặc Disk Management để làm), Convert (chuyển đổi qua lại giữa FAT 32 hay NTFS), Hide (giấu đi ổ đĩa khi có 2 hệ điều hành trong 1 ổ), Change Cluster Size (để giảm bớt khoảng trống phí phạm trên ổ đĩa), Change Type (đổi qua các dạng khác ngoài NTFS..), Edit (kèm thêm Acronis Disk Editor rất mạnh, nhưng xin lưu ý là chỉ dành cho dân thật sự chuyên nghiệp, nếu là dân không chuyên thì tốt nhất bạn đừng động vào đây!).
- Boot media builder: giúp bạn làm đĩa cứu hộ tự boot có khả năng chạy hoàn toàn trong môi trường PE (preinstallation environment) hiện đại, với một giao diện cực đẹp y hệt như trong Windows.
Bạn có thể chọn làm phần cứu hộ bằng nhiều đĩa mềm hay chỉ 1 đĩa CD, CD-RW. Nhưng theo ý riêng của tôi bạn không nên chọn làm bằng các đĩa mềm vì cần quá nhiều, trên 10 đĩa (dung lượng tổng cộng 15 MB), nếu lỡ hư 1 đĩa thì không còn cứu hộ gì được.
- Details: phần này cho bạn biết chi tiết sử dụng của từng ổ đĩa (Used Space) và còn trống bao nhiêu (Free Space) để xem liệu cần chỉnh lại kích thước hay không (cần giảm bớt hay tăng thêm).
• Kết luận: Acronis Disk Director Suite 9.0 rất xứng đáng cài vào máy bạn. Bạn cũng có thể lấy file ISO của nó để làm đĩa cứu hộ chung với các phần khác như cài đặt XPSP2, bản sao Ghost, XPE, Hiren 6.0 trong chỉ một đĩa DVD multiboot, tối cần cho bạn trong mọi trường hợp khi có sự cố đột xuất.
DƯƠNG MINH HOÀNG