Nếu thích khám phá hệ thống máy tính và mạng, bạn có thể đeo đuổi nghề quản trị mạng (xem lại LBVMVT 245). Còn nếu có một chút về khiếu thẩm mỹ và tính sáng tạo thì thiết kế đồ họa sẽ là một nghề sáng giá cho bạn chọn. Với kiến thức thiết kế đồ họa đã học, bạn hoàn toàn có thể thiết kế được các logo công ty, bảng quảng cáo, xứ lý hình ảnh theo ý muốn... Hiện nay, thu nhập từ nghề này cũng khá đa dạng và nhu cầu tuyển dụng tương đối nhiều.
Yếu tố con người và đào tạo
Để học thành công thiết kế đồ họa, bạn không cần phải giỏi về máy tính, chỉ cần có khiếu thẩm mỹ và các đức tính cần cù, sáng tạo. Còn về kỹ năng sử dụng máy tính, trong qua trình học, ắt bạn sẽ dần dần hoàn thiện cách cài đặt và thiết lập các phần mềm phục vụ cho công việc thiết kế đồ họa. Một số nhà thiết kế đồ họa cho biết, để biết mình có óc thẩm mỹ hay không, bạn thử cảm nhận cái đẹp của các đồ vật, sau đó thử nghĩ cách cải tiến để làm cho nó đẹp hơn; hoặc cao hơn là thử hình dung một vật nào đó trong không gian 3 chiều (3D) xem nó như thế nào rồi tìm hình ảnh phác họa 3D của vật đó để đối chiếu. Trong cách thử nghiệm trên, nếu bạn cảm thấy thích thú thì hãy bắt đầu bước vào con đường thiết kế đồ họa. Ngược lại, bạn hãy tìm đọc một số tài liệu nói về các khái niệm đồ họa, tư duy đồ họa... rồi thử nghiệm lại lần nữa; nếu không được, bạn đừng dấn thân vào nghề này.
Hiện nay, có khá nhiều nơi dạy thiết kế đồ họa, bài bản theo sách vở hoặc truyền nghề qua kỹ năng. Tuy nhiên, mỗi phương pháp tiếp cận đều có những ưu và khuyến điểm riêng. Chẳng hạn, nếu bạn tìm đến các nơi vừa dạy học viên, vừa nhận thiết kế sản phẩm cho khách hàng thì khả năng lĩnh hội được nghề rất nhanh, trong một thời gian ngắn là bạn đã có thể thiết kế được một sản phẩm đơn giản. Tuy nhiên do không được học bài bản nên bạn khó phát huy được những gì đã học để sáng tạo ra những cái mới. Còn nếu học theo sách vở và thực hành ở các trung tâm tin học hoặc dạy nghề, bạn sẽ mất một khoảng thời gian để tiếp cận với lý thuyết đồ họa, cũng như các nguyên tắc trong thiết kế nhưng thời gian để có được sản phẩm đầu tay thì lâu hơn.
Chương trình học thiết kế đồ họa khá đa dạng. Các nơi truyền nghề sẽ dạy bạn cách sử dụng các phần mềm thiết kết đồ họa và nguyên tắc thiết kế. Thông thường, họ chỉ tập trung vào 2 phần mềm CorelDraw phục vụ việc vẽ biểu mẫu và Photoshop dùng cho xử lý hình ảnh để đưa vào Corel, hoặc xử lý hình chân dung, hình cưới, biến hình trắng đen thành hình màu... Học phí thì tùy thuộc vào danh tiếng của từng nơi, thường không dưới 10 triệu đồng với khoảng thời gian học từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, ở các trung tâm tin học, bạn có thể đăng ký học khóa kỹ thuật viên đồ họa đa truyền thông với học phí khoảng 12 triệu đồng. Với khoảng học phí đó, đầu tiên bạn sẽ học qua các lớp tin học căn bản (còn gọi là tin học văn phòng), sau đó bắt đầu học thiết kế đồ họa qua các phần mềm CorelDraw, Photoshop, Illustrator, rồi Adobe Indesign dùng cho công việc dàn trang sách, báo, tập chí... ở các nhà xuất bản, tòa soạn báo chí. Song song với việc học sử dụng chương trình là các buổi lý thuyết dạy về ý tưởng thiết kế và mỹ thuật ứng dụng trong quảng cáo. Tiếp theo, bạn sẽ được học chương trình thiết kế giao diện và cấu trúc của một website bằng 2 phần mềm Dreamweaver và Flash; trong đó, chủ yếu tập trung cho phần tạo hình ảnh động 2 chiều bằng phần mềm Flash để làm banner, logo cho website hoặc trang chủ của website. Từ nền tảng tạo file hình động 2 chiều, bạn tiếp tục học sang lớp đồ họa 3 chiều với các phần mềm 3D Max, AutoCAD, Affter Effects, Primer... để làm các công việc thiết kế đối tượng 3 chiều, tạo phối cảnh 3 chiều, tạo phim hoạt hình và cuối cùng là cách đóng gói và ghi thành đĩa VCD, DVD. Tất nhiên, sau khi học xong ở các trung tâm tin học, khoảng một năm rưỡi, bạn sẽ phải vượt qua lớp thi cuối khóa để được cấp giấy chứng nhận khi đi xin việc làm, trong khi các nơi truyền nghề thì không có khoản này.
Yếu tố về thiết bị
Khi học thiết kế đồ họa, bạn phải chuẩn bị tiền để sắm một bộ máy tính để bàn với cấu hình mạnh cỡ CPU 2 nhân Core2 Duo, hoặc 4 nhân Core2 Quad tốc độ từ 2.6 GHz trở lên và card màn hình rời có dung lượng bộ nhớ 256 MB hoặc cao hơn, rồi một đĩa cứng có dung lượng cực lớn hoặc nhiều đĩa cứng có dung lượng khoảng từ 200 - 300 GB, bộ nguồn phải có công suất tương đối lớn và ổ đĩa ghi DVD (tức DVD-RW). Về màn hình, do cần nhu cầu cao về thiết kế đồ họa nên bạn hãy chọn màn hình CRT phẳng kích thước từ 17 inch trở lên để được khung nhìn rộng, hiển thị được độ phân giải cao và màu sắc trung thực hơn so với LCD. Vị chi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, máy tính cũng cần kết nối Internet ADSL để tìm các hình ảnh phục vụ cho thiết kế, xem các logo, banner đã có trên mạng Internet để lấy ý tưởng và tạo nguồn cảm hứng sáng tạo…
Đó là những thiết bị ban đầu, đến khi cần thiết kế nhiều hơn, có thể bạn phải sắm thêm máy quét hình (máy scan) để đưa các hình ảnh bên ngoài vào máy tính, bàn vẽ điện tử và chuột 3D để thao tác nhanh và thuận tiện khi dùng các phần mềm thiết kế 3D.
TÔN GIA QUYỀN