Khi bạn mua một modem ADSL, thông thường nơi bán có để sẵn trong hộp một đĩa CD driver. Bạn cần phải bảo quản kỹ đĩa CD này, hoặc nếu dung lượng đĩa cứng của bạn còn trống thì có thể chép hẳn vào đĩa cứng để lưu trữ phòng khi hữu sự. Đĩa CD này quan trọng như thế vì ngoài driver điều khiển modem (rất cần thiết khi modem của bạn được kết nối qua cổng USB), nó còn có các file hướng dẫn cách đăng nhập vào trang web của modem: Địa chỉ của modem, user name, password và cách thiết lập cấu hình cho modem (mỗi loại modem có một địa chỉ trang web truy cập khác nhau). Thường những thông tin này được lưu dưới các dạng file pdf hoặc txt, bạn nên đọc kỹ trước khi tiến hành cài đặt.
Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không có hoặc làm mất đĩa CD này, để thực hiện việc kết nối máy tính của bạn với modem qua cổng USB, bạn cần phải ra dịch vụ Internet tìm và tải đúng driver của modem về cài cho máy tính của bạn thì mới được. Còn nếu thực hiện việc kết nối qua card mạng LAN thì vấn đề CD driver của modem không phải là thật sự cần thiết lắm, mà điều cốt yếu lúc này lại là driver điều khiển card mạng LAN của bạn đã được cài đặt đúng hay chưa? Nếu card mạng LAN đã được cài đặt đúng thì việc kết nối máy tính với modem bây giờ chỉ còn là việc “cắm vào là chạy”.
Hoàn tất việc kết nối máy tính với modem không đồng nghĩa với việc bạn đã sử dụng được đường truyền ADSL, mà bạn phải thực hiện bước kế tiếp là truy cập vào trang web của modem để thiết lập các cấu hình cần thiết cho nó (LBVMVT số 79, 154...). Vậy, làm thế nào để truy cập vào trang web của modem để tiến hành thiết lập các thông số? Sau đây là cách tìm ra địa chỉ để truy cập vào trang web của modem khi không có đĩa CD chứa các file hướng dẫn đi kèm:
Trước tiên, bạn hãy reset lại modem để trả về thông số mặc định của nó (LBVMVT số 79), vào Start > Settings > Control Panel, chọn mở mục Network Connections, bấm phải chuột vào biểu tượng Local Area Connection và chọn mục Propeties. Đánh dấu chọn cả 2 mục: “Show icon in notification area when connected” và “Notify me when this connection has limited or no connectivity”. Sau đó tiếp tục bấm chọn dòng Internet Protocol (TCP/IP), chọn nút Propeties và đảm bảo rằng 2 mục “Optain an IP address Automatically” và “Optain DNS server address Automatically” trong hộp thoại kế tiếp là đang được chọn. Bấm OK để đóng 2 hộp thoại này lại. Quan sát trên khay hệ thống bạn sẽ thấy xuất hiện thêm một biểu tượng kết nối, nghĩa là máy tính của bạn đã kết nối với modem, còn nếu không có thì bạn cần phải bấm đúp chuột vào Local Area Connection để cho phép (Enable) thiết bị mạng hoạt động.
Bây giờ bạn hãy đóng tất cả các cửa sổ lại để màn hình làm việc của mình được gọn gàng hơn. Bấm chuột vào biểu tượng kết nối mạng trên khay hệ thống để làm xuất hiện hộp thoại Local Area Connection Status, bấm chọn thẻ Support và ghi lại các thông số IP Address, Subnet Mask và Default Gateway. Trong đó dãy số ở dòng Default Gateway chính là địa chỉ để truy cập trang chủ của modem (ví dụ như hình minh họa thì modem của tôi có địa chỉ là 192.168.1.1). Sau đó bấm nút Close để đóng hộp thoại này lại (các thông số trên còn được dùng để gán IP tĩnh theo cách đã được nêu trong bài “Thiết lập IP tĩnh” trên LBVMVT số 162). Đến đây, bạn hãy dùng bất kỳ một trình duyệt web nào để vào địa chỉ của modem đã thu được ở bước trên.
Khâu gian nan nhất là nhập user name và password cho từng loại modem. Trong các loại modem mà tôi đã gặp, đều có user name là admin (chưa biết có loại nào khác nữa hay không!). Bạn lần lượt nhập một trong các password mà tôi đã thu nhặt được như: admin, epicrouter, conexant, một số loại lại dùng tên của chính modem đó gắn với chữ adsl để làm password như zoomadsl, thậm chí có loại còn bỏ trống cả password (không gõ gì cả) như DrayTeck... Tuy nhiên, password thường gặp nhất là admin. Nếu không vào được với password này, bạn cứ làm lại lần 2 với password khác... Khi đã vào được trang web của modem, bạn hãy nhớ ghi lại password truy cập của modem đó để đỡ vất vả về sau!
PHAN CHÍ NGHĨA