VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Tự thiết lập kết nối ADSL với modem Planet


Một số nhà cung cấp dịch vụ ADSL Internet sẽ cử nhân viên đến nhà thiết lập kết nối khi bạn đăng ký thuê bao, và có thể họ cũng sẽ buộc bạn sử dụng loại modem (còn gọi là router) do họ chọn lựa hoặc khuyến cáo. Tuy nhiên một số nhà cung cấp dịch vụ còn cho bạn một lựa chọn khác: họ chỉ cấp cho một tài khoản với password đầu tiên, và bạn sẽ tự làm lấy mọi thứ còn lại (tất nhiên chi phí sẽ thấp hơn). Nếu bạn thích điều này nhưng còn e ngại vì chưa làm thử lần nào thì bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn một số kinh nghiệm tự thiết lập kết nối ADSL với modem 2/2+ của Planet. Đây là loại modem có tốc độ xử lý tín hiệu nhanh, độ ổn định cao và đặc biệt là giá rẻ.

1. CHUẨN BỊ

- Modem Planet ADSL 2/2+ loại 1 port LAN (cổng dành để cắm line cho card mạng) giá khoảng 43 USD. Loại này còn gọi là ADE 3400.

- Card mạng LAN (nếu mainboard của bạn không có tích hợp card mạng). Giá khoảng 80.000 VNĐ.

- Một hộp splitter dùng để chia đường dây điện thoại làm 2 phần (nếu ADSL sử dụng đường dây điện thoại sẵn có) để mỗi khi bạn truy cập Internet thì vẫn có thể sử dụng điện thoại như bình thường. Lưu ý, bạn nên chọn loại splitter của Prolink (giá khoảng 30.000 VNĐ) để đạt hiệu quả. Các loại splitter “vô danh” của Trung Quốc có giá mắc hơn nhưng lại chỉ là cái hộp nhựa vô dụng.

- Đến văn phòng của VNN (hoặc trung tâm bưu điện địa phương) để đăng ký cho mình một tài khoản truy cập Internet ADSL với giá mở tài khoản là 130.000 VNĐ (phí này không sử dụng dịch vụ cài đặt của bưu điện). Sau khi có tài khoản, bạn hãy truy cập vào trang web http://user.vnn.vn để đổi password cho tài khoản của mình.

2. LẮP ĐẶT MODEM

- Nếu xem kỹ mặt sau của modem ADE 3400, bạn sẽ thấy modem này có các cổng với các chức năng như sau:

ADSL: Dùng để cắm dây điện thoại (dây chính từ ngoài trời vào nhà) hoặc dây từ ngõ modem của splitter nếu có sử dụng splitter.

LAN: Dùng để cắm dây cáp (Cat 5 hoặc Cat 5e) nối với card mạng LAN của máy tính.

9V AC: Cắm dây nguồn cho modem (có adapter kèm theo).

Reset: Dùng để set lại thông số mặc định cho modem. Bạn chỉ cần dùng một que nhọn chọc vào đây khoảng 3 - 6 giây.

- Lưu ý, với splitter, bạn sẽ có các cổng tương ứng cho các dây tín hiệu sau:

Line: Dùng để cắm dây điện thoại (dây chính từ ngoài trời vào nhà).

Phone: Dùng để cắm dây tín hiệu cho điện thoại mà bạn đang sử dụng.

Modem: Dùng để cắm dây nối với cổng ADSL của modem.

Sau khi hoàn thành các bước này nghĩa là bạn đã lắp đặt xong modem Planet ADSL2/2+.

3. CẤU HÌNH MÁY TÍNH ĐỂ SỬ DỤNG MODEM ADE 3400

l Với Windows XP

- Vào Start > Control Panel. Bấm chuột vào biểu tượng Network Connections.

- Bấm đôi vào biểu tượng Local Area Connection. Bấm nút Properties, chọn mục Internet Protocol (TCP/IP), bấm nút Properties. Đánh dấu chọn vào mục Obtain an IP address automatically Obtain DNS server address automatically.

- Sau cùng, bấm OK để xác nhận.

l Với Windows 2000

- Vào Start > Settings > Control Panel, bấm đôi vào mục Network and Dial-up Connections.

- Bấm đôi vào biểu tượng Local Area Connection. Bấm nút Properties, chọn mục Internet Protocol (TCP/IP), bấm nút Properties. Đánh dấu chọn vào mục Obtain an IP address automatically Obtain DNS server address automatically.

- Sau cùng, bấm OK để xác nhận.

l Với Windows 98/Me

- Vào Start > Control Panel, bấm đôi vào biểu tượng Network và chọn thẻ Configuration.

- Chọn TCP/IP > Tên nhà sản xuất card mạng (Ví dụ TCP/IP > NE2000). Bấm nút Properties.

- Đánh dấu chọn vào mục Obtain an IP address automatically.

- Tiếp tục chọn thẻ DNS Configuration. Đánh dấu chọn vào mục Disable DNS.

- Sau cùng, bấm OK để xác nhận.

l Với Windows NT 4.0

- Vào Start > Settings > Control Panel, bấm đôi vào biểu tượng Network rồi chọn thẻ Protocols.

- Chọn TCP/IP Protocol rồi bấm nút Properties.

- Chọn Obtain an IP address from a DHCP server.

- Sau cùng, bấm OK để xác nhận.

4. CẤU HÌNH CHO modem ADE 3400 ĐỂ TRUY CẬP INTERNET

- Dùng trình duyệt Internet Explorer (phiên bản 5.0 trở lên) hoặc Netscape (phiên bản 4.0 trở lên). Gõ http://192.168.1.254. Đây là IP mặc định để truy cập vào phần cấu hình của modem.

- Một hộp thông báo hiện ra, bạn hãy nhập Username và Password là admin. Bấm OK để xác nhận.

- Bấm vào mục Wizard Setup để xác lập các tùy chọn thông qua “thuật sĩ” Wizard.

- Trong mục chọn đầu tiên, bạn hãy nhập các thông số VPI và VCI (tùy theo nhà cung cấp dịch vụ ADSL). Với MegaVNN thì VPI = 0, VCI = 35. Bấm Next để tiếp tục.

- Trong cửa sổ tiếp theo, bạn hãy nhập Username và Password mà bạn đã đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ. Bấm Next để tiếp tục.

- Trong cửa số tiếp theo bạn hãy bấm nút Change LAN Configuration để thay đổi các xác lập cho mạng LAN. Trong phần DHCP Server, bạn hãy chọn OFF. Mục đích của việc này là tránh tình trạng tranh chấp bởi vì trong quá trình bạn truy cập Internet, Windows sẽ tự động tạo thêm một kết nối mới do đó bạn sẽ gặp tình trạng “rớt mạng” nếu để DHCP Server ở trạng thái ON.

- Sau cùng, bấm Finish để kết thúc. Bấm nút Start Diagnose để kiểm tra lại các thiết lập. Nếu bạn nhận được dòng chữ PASS cho tất cả các thiết lập thì bạn đã cài đặt thành công.

- Ngoài ra, để tránh bị mất quyền điều khiển modem bởi các hacker, bạn cũng nên thay đổi password mặc định của modem bằng cách bấm vào mục Advanced Setup > Password, tại đây bạn hãy nhập đầy đủ các dữ liệu sau:

Old Password: Nhập mật khẩu hiện tại mà bạn đang sử dụng.

New Password: Nhập mật khẩu mới.

Retype to confirm: Xác nhận lại mật khẩu mới. Sau cùng, bấm Apply để xác nhận.

Bấm nút Logout để thoát khỏi trang điều khiển. Sau cùng, bạn hãy dùng trình duyệt để thử truy cập một trang web nào đó, nếu vào được là bạn đã cài đặt thành công. Trường hợp ngược lại, bạn hãy xem lại các bước đã trình bày ở trên xem có sai sót ở bước nào.

5. KIỂM TRA LẠI KẾT NỐI

Bạn có thể kiểm tra lại kết nối ADSL của mình bằng cách vào Start > Run, gõ CMD, nhập vào dòng lệnh ping 192.168.1.254Enter. Nếu nhận được thông báo Reply from 192.168.1.254: byte =32 time<1ms TIL=number nghĩa là modem của bạn đã kết nối với máy chủ và làm việc tốt. Ngược lại, nếu nhận được thông báo Request time out nghĩa là modem vẫn chưa kết nối được với server, lúc này bạn cần phải kiểm tra lại các thiết lập đã trình bày ở trên.

VÕ XUÂN VỸ