VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Xây dựng website với Joomla 1.5.7


Khi  cần xây dựng một website tin tức, chia sẻ kiến thức..., nếu bạn không có hiểu biết sâu về lập trình để có thể tự viết code thì một hệ quản lý nội dung (CMS: Content Management System) sẽ là vị cứu tinh của bạn. Trong số đó, Joomla có vẻ nổi bật hơn cả do có nhiều chức năng, nhiều module, component tương thích, và dễ sử dụng. Vì thế, dù bạn là người có kiến thức về thiết kế web hay là người mới làm quen thì Joomla vẫn là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách xây dựng một website bằng mã nguồn Joomla trên localhost và trên host.

Cài đặt trên localhost:

Việc cài đặt trên localhost cũng tương tự như trên host, chỉ khác nhau ở chỗ là website của bạn sẽ chỉ tồn tại trên server ảo, và không public lên Internet cho mọi người xem được. Nếu bạn mới làm quen với việc xây dựng web thì nên thực hành trên localhost sẽ tốt hơn.

Để xây dựng website Joomla trên localhost, cần phải có một server ảo trên máy tính. Nhiều phần mềm có chức năng này, được sử dụng nhiều nhất có lẽ là Appserv do chương trình này hoàn toàn miễn phí, dễ sử dụng và rất nhẹ, phù hợp với các máy cấu hình yếu.

Bạn tải phiên bản mới nhất Appserv 2.6.0 (dung lượng 20.77 MB) tại http://tinyurl.com/5we4dt. Sau khi tải về, cài đặt bình thường bằng cách bấm Next cho đến khi Finish.

Để biết xem quá trình cài đặt thành công hay không, bạn thử mở trình duyệt và gõ vào localhost (hoặc 127.0.0.1), nếu trang web xuất hiện là đã thành công.

Mặc định Appserv sẽ được cài đặt vào ổ C (C:\Appserv), khi cần xây dựng website, bạn sẽ copy mã nguồn vào thư mục www của Appserv (C:\Appserv\www).

Công việc tiếp theo là tải về mã nguồn Joomla, sau lỗi bảo mật nghiêm trọng xảy ra với mã nguồn Joomla 1.5 trước đây, bản Joomla 1.5.7 giờ đây đã khắc phục được sự cố này, tải Joomla 1.5.7 (dung lượng 5.8 MB) tại: http://tinyurl.com/joomla157. Tải xong, bạn giải nén file zip ra một thư mục (tạm đặt tên thư mục là joomla) và chép thư mục joomla vào thư mục www của Appserv như đã nói ở trên.

Tiếp theo, bạn cần tạo database cho website. Để tạo một database, bạn gõ vào trình duyệt localhost/phpmyadmin (hoặc 127.0.0.1/phpmyadmin). Hộp thoại xuất hiện yêu cầu bạn nhập User Name và Password để vào phpMyAdmin (User Name và Password mà bạn nhập khi cài đặt Appserv, mặc định User Name là root).

Trang phpMyAdmin xuất hiện, bạn nhập tên database vào phần Create new database, sau đó bấm Create để tạo.

Vậy là xong bước đầu, giờ đây bạn đã có thể bắt đầu cài đặt Joomla.

Vào trình duyệt web, gõ localhost/joomla (nếu thư mục chứa mã nguồn Joomla trong thư mục www của Appserv là joomla, như đã nói ở trên). Trang web Joomla! Web Installer xuất hiện, bắt đầu quá trình cài đặt, gồm 7 bước, bấm Next để qua bước tiếp theo và Previous để trở lại bước trước:

- Language: chọn ngôn ngữ.

- Pre-installation Check: kiểm tra xem hệ thống của bạn có thể cài được Joomla không, phần Recommended Settings gồm 2 cột (bên phải là yêu cầu Recommended, bên phải là hệ thống của bạn Actual). Nếu Actual màu đỏ ở phần nào thì tức là phần đó chưa đáp ứng được yêu cầu Joomla đặt ra, nếu là phần Register Globals thì bạn khắc phục bằng cách liên hệ với nhà cung cấp hosting để tắt đi.

- License: quy định sử dụng chương trình, bạn cần đọc qua phần này để không vi phạm điều lệ.

- Database: đây là phần quan trọng nhất của quá trình cài đặt - khai báo database. Bạn cần khai báo chính xác thì cài đặt mới thành công. Điền đầy đủ thông tin vào các ô Username, Password (Username và Password khi cài đặt Appserv), Database Name (tên Database đã tạo ở trên, trong bài này là joomla).

- FTP Configuration: thiết lập FTP, có thể mở hoặc không.

- Configuration: thiết lập cho website như tên web, email và password của admin.

- Finish: cài đặt thành công. Để website hoạt động an toàn, bạn cần xóa đi thư mục Installation trong thư mục joomla.

Sau đó bấm vào nút Site để xem thử site (địa chỉ truy cập vào site có dạng http://localhost/joomla), hoặc Admin để truy cập vào Admin CP cấu hình lại cho website (địa chỉ truy cập vào Admin CP có dạng http://localhost/joomla/administrator).).

Vậy là bạn đã xây dựng xong về cơ bản một website mã nguồn Joomla trên localhost rồi đấy. Công việc còn lại chỉ là chỉnh sửa, thêm nội dung theo ý muốn mà thôi!

Sau khi xây dựng xong trên localhost, bạn cần chuyển sang host thì mọi người mới có thể truy cập vào website của bạn được.

Cài đặt trên host

Để cài đặt trên host, bạn cần có một hosting hỗ trợ PHP và MySQL. Hầu hết các host hiện nay đều hỗ trợ tốt việc cài đặt Joomla. Bạn nên chọn host có Cpanel để dễ sử dụng.

Việc cần làm đầu tiên là vào Cpanel, chọn MySQL Database, ở khung New Database, điền tên database cần tạo rồi bấm Create Database để tạo database mới. Sau khi tạo xong database, bạn cần tạo thêm User rồi Add User vào Database vừa tạo. Vậy là xong phần Database.

Để chuyển toàn bộ dữ liệu mà bạn đã xây dựng trên localhost sang host, bạn cần chỉnh sửa lại ít thông tin về database rồi upload thư mục joomla lên host. Để chỉnh sửa thông tin về database, bạn vào thư mục joomla, chọn file configuration.php, tìm đến dòng sau:

/* Database Settings */ 

var $dbtype = ‘mysql’;

var $host = ‘localhost’;

var $user = ‘root’;

var $password = ‘123456’;

var $db = ‘joomla’;

var $dbprefix = ‘jos_’;

Bạn chỉnh sửa lại các thông tin sau :

var $host = ‘localhost’ (thường thì điền là localhost nhưng cũng có một số host lại điền khác nên bạn nhớ lưu ý phần này)

var $user = ‘tên user database’;

var $password = ‘pass database’;

var $db = ‘tên database’;

Có thể sửa file PHP bằng Notepad, Wordpad nhưng tốt nhất bạn nên dùng Notepad++ vì Notepad++ cao cấp hơn Notepad, có thể chỉnh vài đặc tính của file mà Notepad không làm được. Tải Notepad++ tại http://tinyurl.com/4tj7n. Dùng Notepad++ chỉnh sửa file configuration.php, sau khi chỉnh sửa xong, vào menu Format > Encoded in UTF-8 without BOM. Nếu bạn không chỉnh lại phần Format này thì khi chuyển host, website của bạn sẽ bị lỗi font chữ và hiển thị web rất xấu.

Sau khi chỉnh sửa xong, upload toàn bộ thư mục joomla từ localhost sang host. Có 2 cách thực hiện:

- Dùng trình upload FTP (CuteFTP, FlashFXP, FileZilla,...) upload cả thư mục joomla lên host. Bạn có thể dùng FlashFXP, tải FlashFXP 3.6.0 build 1240 final tại http://tinyurl.com/flashfxp.

Ở giao diện chính của FlashFXP, chọn Session > Quick Connect để hiện hộp thoại khai báo server, username, password. Nhập đầy đủ thông tin của host vào, rồi bấm Connect để kết nối. Nếu kết nối thành công, bạn tìm đến thư mục joomla ở khung bên trái rồi kéo thả qua khung bên phải để upload. Quá trình upload cả thư mục diễn ra khá chậm nên tốt nhất các bạn nên làm theo cách dưới đây.

- Nén thư mục joomla trong C:\Appserv\www thành file joomla.zip rồi up lên host bằng trình FTP (FlashFXP, CuteFXP,...) hoặc bằng chức năng File Manager trong Cpanel của host. Sau khi upload xong, bạn vào Cpanel của host (thường có dạng http://domaincuaweb:2082), chọn File Manager, sau đó chọn Extract file zip vừa upload.

Chú ý: Phải upload thư mục joomla lên thư mục www của host thì website mới xem được.

Công việc cuối cùng là chuyển các bài viết, thông tin, thành viên... mà bạn đã nhập vào sang host. Cách thực hiện:

- Vào localhost/phpmyadmin để vào phpMyAdmin của localhost, phần Database bên trái bạn chọn Database joomla ở khung xổ xuống.

- Bấm Export để xuất database joomla ra thành file SQL (hoặc ZIP, GZIP).

- Vào Cpanel của host, chọn phpMyAdmin trong phần Databases.

- Tương tự như trên localhost, bạn chọn Database vừa tạo, sau đó bấm Import để nhập dữ liệu từ localhost vào.

Sau khi quá trình Import thành, website của bạn đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Để website hoạt động tốt hơn, bạn cần thêm vào các module, component, trang web http://joomla.org chính là kho lưu trữ các thành phần tốt nhất dành cho Joomla. Bạn có thể tìm hiểu thêm về module, component bằng cách tham khảo thêm ebook Joomla Administrator Manual tiếng Việt (dung lượng 2.54 MB), tải tại: http://tinyurl.com/ebookjoomla.

TRẦN LẠI PHƯƠNG TRÚC