Khi máy tính không khởi động được, bạn cần bình tĩnh từng bước khoanh vùng lỗi. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng là kiểm tra ổ điện, phích cắm cấp điện cho máy, cáp tín hiệu nối tới màn hình phải được cắm chắc chắn và màn hình phải bật (đèn báo nguồn cạnh nút bật/tắt). Kế tiếp, bạn chú ý các tiếng động phát ra từ bên trong vỏ máy trong quá trình khởi động.
Nếu xuất hiện các tiếng píp và màn hình vẫn tối đen thì phần lớn là do RAM hoặc do card màn hình bị lỏng chân khỏi khe cắm, tiếp xúc kém do bụi bẩn. Trước khi mở thùng máy và vệ sinh 2 thiết bị trên, bạn cần tắt máy, rút điện và chạm hai tay xuống sàn nhà hoặc lên tường nhằm "xả" điện tĩnh trên cơ thể, vốn rất có thể gây lỗi thiết bị.
Đối với những trường hợp bật máy mà như không, "im lặng" tuyệt đối thì rất có thể máy đã bị sốc điện, ảnh hưởng trực tiếp tới bộ nguồn hoặc tệ hơn là mainboard (bảng mạch chính) có "vấn đề". Mẹo nhỏ hữu ích trong tình huống này là bạn thử tháo pin CMOS rồi cắm lại sau 5 phút, nhanh hơn có thể đảo jump (cầu nối) để lấy lại thông số cho CMOS.
Với các trường hợp còn lại, bạn kiểm tra theo tuần tự: quạt của bộ nguồn quay là dấu hiệu nguồn còn "sống", điện vào tới mainboard thì đèn led trên mainboard sáng, đèn power sáng và quạt CPU sẽ quay. Tiếp đến là quá trình POST (Power on self test), hệ thống sẽ kiểm tra các cổng, bộ nhớ cho tới các thiết bị ngoại vi với thông số và kết quả kiểm tra được báo qua màn hình.
Một tình huống lỗi hay gặp sau quá trình POST là sai thông số CMOS (có thể do pin nuôi CMOS đã kém) với báo lỗi dạng "CMOS setting wrong; Press F1 to setup; F2 to run default". Để khắc phục tạm thời, bạn phải làm theo chỉ dẫn là nhấn F1 để đặt lại thông số CMOS hoặc F2 để chạy với dữ kiện mặc định. Nếu tình trạng này thường tái diễn, chắc bạn sẽ phải mua một viên pin CMOS mới để thay thế.
Nhiều người dùng vốn có tính "cẩn thận" và cho rằng dọn dẹp ổ cứng sẽ đỡ "nặng máy" thường xóa rất triệt để, gồm cả những file khởi động của Windows như Ntldr, Ntdetect.com, Boot.ini. Dòng thông báo "Ntldr is missing" hiển thị ở lần khởi động kế tiếp sẽ là tất yếu. Để khắc phục, bạn cần phải sử dụng đĩa cài đặt Windows, kích hoạt nó sang chế độ Recovery Console. Sau đó, chép lại 2 tập tin Ntldr, Ntdetect.com từ thư mục I386 của CD này vào lại C:\.
DIGILIFE