Năng động và hiện đại
Chưa nói rành tiếng Việt bởi anh là người Mỹ gốc Hoa, nghiên cứu thị trường âm nhạc Việt Nam cũng chỉ mới 2 năm nhưng Nam Vinh quyết định thành lập công ty riêng tại Việt Nam chuyên về đào tạo, lăng-xê ca sĩ.
Trong những ngày đầu thành lập, Nam Vinh đảm trách công việc quản lý cho những ca sĩ của mình. Từ việc lên chiến lược dự án, tạo dựng hình ảnh, nhận “sô”, định mức cát-sê... tất cả đều do Nam Vinh phụ trách. Ca sĩ của anh chỉ việc hát và làm theo những gì anh đã vạch sẵn.
Sẵn có ưu thế về ngoại ngữ cùng với những mối quan hệ đa dạng của mình, Nam Vinh thực hiện việc trao đổi bản quyền ca khúc với các công ty âm nhạc nước ngoài dễ dàng, như Glance Entertainment (Hồng Kông) chẳng hạn. Đây là một trong những bước đệm quan trọng để anh đưa những ca sĩ độc quyền của mình (Ưng Đại Vệ, LK và Jenny) thực hiện kế hoạch tấn công sang thị trường âm nhạc tiếng Hoa.
Chưa biết kết quả thế nào nhưng những gì Nam Vinh đầu tư (phim trường, đội ngũ nhân sự từng làm việc cho một công ty đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp tại Hồng Kông...) đủ chứng minh hướng đi của anh là chuyên nghiệp và nghiêm túc.
Một quản lý thế hệ 8X điển hình khác là Quang Huy. Giới làm nghề ở TP.HCM thừa nhận “Quang Huy là một nhà quản lý có tài” dù anh còn khá trẻ (sinh năm 1981). Tất nhiên, để đạt được những thành công này, Quang Huy phát huy triệt để tính năng động và sự liều lĩnh.
Là một trong những người đi tiên phong chọn loại nhạc gây sốc cho ca sĩ của mình, Quang Huy đã tạo nên cơn sốt Ưng Hoàng Phúc trên thị trường âm nhạc một thời. Anh cũng là người đầu tiên bỏ ra 3 tỉ đồng để mời một ê-kíp Hàn Quốc thực hiện video clip cho ca sĩ.
Với Hiền Thục, trong bất cứ câu chuyện nào, ca sĩ này cũng đều không quên nhắc đến Tú Trung. Điều này dễ hiểu bởi sự thăng tiến của Hiền Thục trên thị trường âm nhạc thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ của Trung. Từ dự án album, kế hoạch tổ chức live show đến việc chạy sô của ca sĩ, tất cả đều do Trung vạch ra. Và rõ ràng những dự án âm nhạc như album Ngũ hành (gồm 5 album Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) đến album unplugged của Hiền Thục ít nhiều đã tạo dấu ấn với khán giả yêu nhạc.
Không chọn thị trường nghệ thuật làm nghiệp nhưng thời gian gần đây, Mai Lâm quyết định trở thành người quản lý của Thủy Tiên. Dự án đầu tiên của Mai Lâm là thay đổi hoàn toàn hình ảnh âm nhạc của Thủy Tiên, từ một Thủy Tiên cá tính với folk, punk hay gothic rock trước đây bằng một Thủy Tiên trong sáng, hiền lành hơn với pop ballad ngày nay.
Những trợ lý đa năng
Nam Vinh (phải) đang thảo luận cùng ca sĩ của mình Ảnh: T.C |
Nhiều bạn trẻ thừa nhận, nghề làm người quản lý cho ca sĩ hiện đang là mốt thịnh hành mà nhiều bạn trẻ thế hệ 8X đã chọn. Tuy nhiên, để có thể trở thành những người quản lý đúng nghĩa còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, tiền là điều quan trọng bên cạnh đó là lòng đam mê nghề, yêu mến ca sĩ.
Không vạch ra chiến lược hay tạo dựng hình ảnh nhưng các trợ lý sẽ là người sắp lịch diễn, nhận sô, thỏa thuận cát sê... của ca sĩ. Ngoài những công việc chính thức trên thì những trợ lý như Phương Thùy (trợ lý ca sĩ Hồ Quỳnh Hương), Minh Đạt (Thy Dung), Kim Thảo (Nhất Thiên Bảo), Ánh Dung (Đoan Trang)... cũng kiêm nhiệm luôn các công việc không tên khác như ghi nhớ giờ làm tóc, trang điểm, lịch chụp hình, hối thúc việc may áo, ăn uống, bấm đĩa, tập hợp thông tin liên quan đến ca sĩ...
Phần lớn những trợ lý này còn rất trẻ và thường xuất thân từ các fanclub. Tất nhiên, “nếu có thể giúp việc cho thần tượng của mình thì quá tốt nhưng vì đây là công việc nên ai có nhu cầu thì mình giúp. Tất cả là làm công ăn lương”, Phương Thùy thừa nhận. Vì tính chất công việc khá đặc trưng nên việc kéo dài thời hạn hợp tác tùy vào tình hình hòa hợp của ca sĩ và trợ lý.
Khó khăn của người trẻ tuổi
Dù không có bất kỳ quy định nào nhưng thực tế chứng minh rằng người quản lý chỉ có thể làm nên tên tuổi cho một ca sĩ duy nhất. Tuy nhiên, ca sĩ Việt Nam hiện còn quen với đường lối chọn những nhà quản lý lão làng hòng tìm được thành công mà những nhà quản lý này từng gặt hái. Đó chính là lý do nhiều nhà quản lý thế hệ 8X chưa có đất dụng võ. Ngay cả khi đã tạo được ít nhiều ấn tượng thì việc thỏa hiệp với chính ca sĩ của mình là điều không hề dễ dàng.
Là một nghề khá đặc trưng nên việc tính lương cũng có nhiều khác biệt. Có khi tính theo dự án như Tú Trung hoặc tính phần trăm theo cát sê của ca sĩ như Nam Vinh, Quang Huy, Phương Thùy, nhưng cũng có khi trao đổi qua lại như Mai Lâm - Thủy Tiên (Thủy Tiên sẽ mặc trang phục của cửa hàng Mai Lâm như một cách để quảng cáo thương hiệu).
Tuy nhiên, dù theo cách thức nào thì tình cảm vẫn luôn là yếu tố quan trọng chi phối mức thu nhập và sự gắn kết giữa ca sĩ và nhà quản lý. |
Tú Trung thừa nhận: “Khi đưa ra một quyết định quá táo bạo, dù dự án đó có triển vọng đến mấy thì với một người trẻ như tôi khó tránh được việc bị nghi ngờ, do dự”. Để có thể thuyết phục được ca sĩ, theo kinh nghiệm của Tú Trung, “mình phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra một dự án, kế hoạch mới. Bên cạnh đó, lập trường của mình phải cứng rắn để thuyết phục ca sĩ”.
Đó cũng chính là bí quyết thành công của Mai Lâm. “Việc thay đổi hình ảnh ít nhiều khiến cho Thủy Tiên thấy khó khăn. Thế nhưng, đây là một việc cần thiết. Và quan trọng hơn, đây mới là thứ âm nhạc phù hợp với Thủy Tiên. Để thuyết phục Thủy Tiên, tôi phải chuẩn bị đầy đủ nhằm chứng minh những điều tôi nói là hợp lý”, Mai Lâm cho biết.
Tất nhiên, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh và sự kiên nhẫn để thuyết phục người khác mạo hiểm theo suy nghĩ của mình nên cũng có người bỏ cuộc như trường hợp của Duy Anh (người quản lý của Hồ Quỳnh Hương trước đây).
Theo Người Lao Động