VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Doanh nghiệp thi nhau tố khổ về thủ tục hải quan


Tại hội thảo về cải cách thủ tục Hải quan trong quản lý hàng gia công xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức ngày 28/8 tại TP HCM, doanh nghiệp đã nêu lên nhiều bức xúc.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị với đại diện Tổng cục Hải quan 13 điểm mà các doanh nghiệp trong ngành đang vướng mắc. Đơn cử như trên thực tế khi giao nguyên liệu và nhận sản phẩm gia công, người ký hợp đồng chỉ thông báo cho người nhận gia công bằng email hoặc gọi điện thoại trực tiếp mà không có văn bản hay chỉ định như theo yêu cầu của hải quan. Các chứng từ đối tác thường gửi qua email nên không có chứng từ gốc và dấu tươi.

Vì vậy bà đề nghị cơ quan hải quan chỉ cần quản lý chính xác nguyên liệu thực tế nhập khẩu và sản phẩm thực tế xuất khẩu của doanh nghiệp gia công là đủ. Nếu hải quan xét thấy vẫn cần thiết phải nắm được thông tin này thì nên yêu cầu các doanh nghiệp có văn bản giải trình có ký tên đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các chứng từ do phía nước ngoài phát hành và chuyển qua đường email. Hải quan có thể yêu cầu doanh nghiệp ký tên đóng dấu chịu trách nhiệm về nguồn gốc xác thực của chứng từ.

Ngoài ra bà Dung cũng đề nghị hải quan nên thống nhất phương pháp quản lý nguyên liệu trong gia công. Ví dụ như về số lượng vải không nên tính theo đơn vị đo lường của Anh (inch, yard, food...); cũng không nên tính theo khổ rộng như hiện nay mà tính thống nhất theo hệ mét, vải dệt thoi tính theo m2, vải dệt kim tính theo kg.

Doanh nghiệp bức xúc tại đối thoại với hải quan ngày 28/8. Ảnh: Hà Mai

Một trong những vấn đề làm các doanh nghiệp băn khoăn là xác nhận thực xuất hàng hóa. Theo quy định thì hải quan cửa khẩu căn cứ vào vận tải đơn xếp hàng lên phương tiện vận tải (B/L-Bill of Lading) để xác nhận hàng hóa đã thực xuất khẩu. Tuy nhiên những lô hàng xuất sang thị trường Mỹ, Canada... không sử dụng vận đơn đường biển (B/L) mà dùng biên lai nhận hàng của người vận chuyển (FCR-Forwarder's Cargo Receipt). FCR là chứng từ hợp lệ và được các ngân hàng chấp nhận thanh toán. Vì vậy đề nghị Hải quan cửa khẩu căn cứ vào chứng từ vận tải quốc tế chính thức để xác nhận hàng hóa đã thực xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Bạch Hồng, đại diện Công ty Cổ phần Giày Đông Anh cho biết doanh nghiệp trong quá trình gia công cho đối tác nước ngoài đã bị hư máy nén khí. Đối tác nước ngoài đã chuyển cho công ty mượn một máy nén khí mới. Tuy nhiên khi nhập khẩu vào thì hải quan đánh giá máy nén khí không trực tiếp tham gia vào sản xuất nên đề nghị đánh thuế.

Đại diện Công ty Phương Nam cho biết những lô hàng thủy sản của công ty xuất đi Mỹ khi bị trả lại do lỗi kỹ thuật đều phải qua quy định hiện nay của hải quan là quá 365 ngày phải tính thuế. Theo thông lệ quốc tế, các lô hàng thủy sản có thời hạn 2 năm nên chăng có thể tăng thêm thời hạn lên 2 năm. Một điểm bất cập nữa là hàng xuất đi không chịu thuế nhưng khi nhập trả trở về doanh nghiệp phải đóng thuế hơn 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp không thể làm thủ tục hoàn thuế vì hải quan yêu cầu sẽ khấu trừ thuế cho các lô hàng nhập khẩu sau. Tuy nhiên Phương Nam là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nên không nhập hàng và số tiền thuế cứ bị treo như vậy, ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của công ty.

Tuổi thọ của các văn bản quản lý xuất nhập khẩu quá ngắn, thay đổi liên lục, nhiều khi văn bản sau phủ định lên những văn bản trước đó, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đúng quy định. Theo ý kiến của một số công ty, hành lang pháp lý đang ngày tạo điều kiện dễ dàng cho công tác quản lý của hải quan, nhưng vô hình chung lại đẩy hết khó khăn về phía doanh nghiệp.

Theo phản ánh, có một tình trạng chung là doanh nghiệp nào khai báo càng trung thực thì càng bị hải quan kiểm tra gắt gao. Khi doanh nghiệp xin khai báo lại số hàng thực xuất (thấp hơn số lượng đã khai trên tờ khai hải quan), lô hàng sẽ bị hải quan chuyển từ miễn kiểm sang kiểm tra 100%. Trường hợp đơn vị xin khai xuất thiếu hàng hóa do những lý do sản xuất không kịp, sản phẩm lỗi kỹ thuật... cũng sẽ bị hải quan chuyển sang kiểm tra 100%

Do đó doanh nghiệp sẽ chấp nhận xuất thiếu rồi sau đó sẽ tìm cách khắc phục sau. Điều này dẫn đến tình trạng nguyên liệu thực xuất nhiều hơn nguyên liệu nhập khẩu, và công ty phải mua thêm hóa đơn đỏ để cân đối cho các nguyên liệu thiếu "ảo" này.

Cả đại diện của Chi cục Hải quan đầu tư và gia công Hà Nội cũng nhìn nhận doanh nghiệp hiện nay "quá khổ" khi đi làm các thủ tục xuất nhập khẩu. Vì vậy ngành hải quan cần quan tâm đến những yêu cầu chính đáng của họ để tạo điều kiện thuận lợi. Đại diện Hải quan Đồng Nai thì thừa nhận các quy định cũng tạo những bất cập, nhưng doanh nghiệp cũng phải xem lại mình vì không tìm hiểu kỹ luật.

Đại diện Hải quan Bình Dương cho biết cũng rất "đau đầu" về tình trạng các doanh nghiệp gia công bỏ trốn, mất tích, gây khó khăn trong việc quản lý về thuế. Ông Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Hải quan TP HCM bày tỏ: "Vấn đề muôn thuở: hải quan muốn quản lý chặt chẽ, doanh nghiệp thì cần được thoải mái tối đa. Vì vậy cần phải dung hòa lợi ích cả hai bên để có thể phối hợp tốt".

Hà Mai - Vnexpress