Phó bí thư Quận đoàn 6 Vũ Quang cho rằng TP nên tập trung phát triển các ngành kinh tế, công nghệ cao không gây ô nhiễm môi trường, song song với việc giải quyết dứt điểm các điểm đen về môi trường, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.
Trăn trở phát triển TP
Không khí thảo luận sôi nổi trước các chương trình đột phá của TP nhiệm kỳ tới. Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM Tô Sơn Tùng nói chủ trương giảm ùn tắc giao thông bằng phát triển nhanh phương tiện giao thông công cộng là hợp lý, nhưng phải gắn với nâng chất lượng mới có thể thu hút hưởng ứng của người dân.
Cũng có ý kiến đề xuất TP cần kiên quyết trong việc giải tỏa những điểm gây cản trở dòng chảy các kênh rạch của TP, bỏ những đường giao thông nhỏ để đầu tư đường trên không, cầu vượt.
Trong khi đó anh Nguyễn Hiền (CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM) băn khoăn: “Tại sao các trường đại học chỉ là nơi đào tạo con người trong khi khả năng nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cho TP tại những nơi này không thiếu. TP nên đặt hàng những nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển TP từ nơi đây”.
Trước thực trạng người dân TP ở nhiều nơi phải sử dụng nước đục, ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày, phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn Đoàn Kim Thành nêu ý kiến: “Làm sao phải phấn đấu để cuối nhiệm kỳ 100% người dân TP có nước sạch dùng, đây là điều rất quan trọng mà chưa thấy văn kiện đề cập”.
Nhiều vấn đề của người trẻ
Có khá nhiều phát biểu đề cập đến nhu cầu bức thiết phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bí thư Quận đoàn Thủ Đức Lê Minh Đức rất ưu tư khi TP.HCM là đơn vị đầu tàu của cả nước thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng nguồn nhân lực hiện tại khó có thể đáp ứng nhiệm vụ này.
Cùng suy nghĩ, anh Phan Hoài Nam (ĐH Luật TP.HCM) đề xuất: “Phải gắn việc đào tạo với yêu cầu địa phương và chính sách đãi ngộ hợp lý cho người được cử đi đào tạo. Như vậy sẽ tránh lãng phí chất xám nhân lực trẻ vì đào tạo đại trà mà không sử dụng được”.
Bên cạnh việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các phát biểu đặt vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, vùng giải tỏa theo các dự án của TP. Bí thư Huyện đoàn Củ Chi Võ Văn Thuận nêu thực trạng không ít bạn trẻ trong huyện sau khi hết đất sản xuất không biết làm gì vì trong tay không có nghề.
Anh đề xuất: “Cần quan tâm mở các trung tâm dạy nghề, giúp các bạn có tay nghề và tăng nguồn vốn vay để các bạn yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống”.
Không chỉ dạy nghề, giải quyết việc làm, nhu cầu về sân chơi văn hóa tinh thần cũng được góp ý nhiều. Một số ý kiến cho rằng xã hội hóa sân chơi thể dục thể thao là hợp lý, nhưng nên tính toán lại việc thu phí vì thực tế nhiều nơi thu quá khả năng của công nhân, sinh viên nên chủ trương đúng nhưng không phát huy hiệu quả.
Bí thư ban cán sự Đoàn ĐHQG TP.HCM Phạm Thanh Sơn cho rằng khu vực Thủ Đức có đông sinh viên nhưng hầu như không có sân chơi nào dành cho đối tượng này. Anh đề nghị: “Cần sớm xây dựng nhà văn hóa sinh viên cơ sở 2 tại đây và phải có quy mô lớn để đáp ứng chủ trương phát triển làng đại học phía đông bắc của TP”.
QUỐC LINH