Trong tác phẩm “Sử ký”, sử gia Herodotus người Halicarnassus (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) đã kể câu chuyện về một người tên Sophanes, trong cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử thế giới cổ đại giữa Hy Lạp và Ba Tư: “Anh ta đeo trên thắt lưng áo giáp cái mỏ neo bằng sắt gắn vào sợi xích sắt. Mỗi khi đến gần kẻ thù, anh ta quăng nó xuống đất, để những kẻ tấn công không thể xê dịch anh ta; nếu đối thủ bắt đầu bỏ chạy, anh ta bèn nhấc cái mỏ neo lên và đuổi theo”.
Thiết nghĩ, trong bất kì doanh nghiệp nào, nhân viên cũng cần một mỏ neo chắc chắn như vậy để có thể tự trói mình vào nhiệm vụ. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên thế giới như hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hẳn cũng nhận ra rằng nhân viên sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chấp nhận giảm lương, tăng giờ làm… cùng chia sẻ khó khăn, góp phần đưa doanh nghiệp “vượt bão”. Có được điều đó một phần là nhờ cái “tình” của nhân viên với doanh nghiệp, và được vun đắp bởi văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng như thế nào để có thể neo giữ nhân viên với công việc, với doanh nghiệp?
Nặng. Một mỏ neo, trước hết, phải nặng. Văn hóa doanh nghiệp cũng cần có đủ sức nặng để tạo dấu ấn sâu sắc lên nhân viên. Sức nặng của văn hóa doanh nghiệp chỉ hiện hữu khi những người có trách nhiệm tính đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở tầng sâu nhất, là giá trị cơ bản và các triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp theo đuổi.
Nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở bề mặt hay tầng trung gian của cơ cấu văn hóa doanh nghiệp. Chẳng hạn việc có đồng phục riêng, có bài hát riêng, những buổi họp mặt, những ấn phẩm truyền thống… Những bước đi này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu những điều này không được xây dựng dựa trên triết lý kinh doanh đúng nghĩa, thì văn hóa doanh nghiệp vẫn dễ dàng bị tổn hại khi có những yếu tố ngoại cảnh tác động.
Độ bám tốt. Nếu mỏ neo chỉ nặng thì không khác một vật thể nặng đơn thuần khác. Một mỏ neo đúng nghĩa phải có độ bám tốt, ở đây có thể hiểu như là độ bám của văn hóa doanh nghiệp vào hoàn cảnh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Hoàn cảnh bên trong là những vấn đề, yếu tố nội bộ như những chặng đường phát triển, đặc trưng về cơ cấu hay trình độ nhân lực của công ty. Nếu công ty nhỏ, ít phòng ban, nhân viên vốn dĩ đã rất hòa hợp thì không cần đề ra tiêu chí “chống bè phái” trong văn hóa doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có đội ngũ lao động chủ yếu là công nhân mà tổ chức việc giao lưu, kết nối nhân viên bằng hình thức xây dựng câu lạc bộ ngoại ngữ thì không hiệu quả bằng việc tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ, trò chơi vận động (*).
Độ bám của văn hóa danh nghiệp với hoàn cảnh bên ngoài doanh nghiệp là môi trường văn hóa - xã hội mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Đó có thể là văn hóa địa phương, văn hóa vùng, văn hóa dân tộc… Doanh nghiệp cần lưu ý đến những yếu tố văn hóa nền tảng ở khu vực mình đang kinh doanh hay có ý định mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh để những nét văn hóa của doanh nghiệp không bị “phạm húy”.
Trước đây có siêu thị bày bán một loại dầu gội đầu in hình ảnh Đức Phật trên bao bì. Sản phẩm đã bị tẩy chay sau khi dư luận phản đối việc sử dụng hình tượng tôn giáo để kinh doanh, doanh nghiệp và nhân viên bị mang tiếng là “báng bổ” tôn giáo; hoặc một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước đã phải mất khá nhiều thời gian và công sức để cố gắng xóa đi những nhận định về văn hóa giao tiếp kém, hành xử quan liêu của nhân viên. Sẽ là rất rủi ro cho khía cạnh quan hệ công chúng nếu một doanh nghiệp có quy mô lớn, xây dựng thành công một văn hóa doanh nghiệp khiến nhân viên thích thú, tự hào nhưng “văn hóa” ấy lại gặp sự phản đối mạnh mẽ từ những người làm văn hóa và cộng đồng xung quanh.
Sợi xích sắt. Cuối cùng, chỉ bản thân cái mỏ neo “đạt chuẩn” thì chưa đủ, mà phải có sợi xích để buộc mỏ neo với con người. Trong doanh nghiệp, sợi dây xích chính là sự xác tín của các cấp lãnh đạo với việc thực hiện tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các lãnh đạo luôn là những người mà nhân viên sẽ nhìn vào khi muốn xác lập sự tin tưởng của mình với văn hóa doanh nghiệp.
Việc các lãnh đạo có tuân theo và làm đúng những gì họ đã cam kết trong văn hóa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến việc nhân viên có tin vào lãnh đạo, tin vào văn hóa của doanh nghiệp hay không. Chẳng hạn văn hóa doanh nghiệp đề ra tiêu chí “không để xảy ra xung đột lợi ích”, nhưng giám đốc lại để cho những người thân tín không đủ năng lực nắm các chức vụ chủ chốt trong công ty thì giá trị đã đề ra không còn ý nghĩa. Mỏ neo có thể nặng và có độ bám tốt, nhưng sợi xích lỏng lẻo thì khó tránh chuyện sau khi xung trận sẽ thấy neo một đằng, người một nẻo.
Văn hóa doanh nghiệp cũng không thể cắt dán, sao chép của doanh nghiệp này áp dụng cho một doanh nghiệp khác, điều đó chẳng khác nào một cái phao nổi lềnh bềnh, muốn trôi đi đâu cũng được. Vì thế, để văn hóa doanh nghiệp trở thành một mỏ neo giữ nhân viên làm việc ổn định và hiệu quả, giữ cho doanh nghiệp luôn vận động đi tới sẽ là một quãng đường khó khăn mà doanh nghiệp phải tự vượt qua.
VŨ ĐẶNG DƯƠNG