VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nghề tư vấn tâm lý


Và các trường ĐH bắt đầu đào tạo nghề chuyên viên tư vấn tâm lý.

Công việc của một chuyên viên tư vấn

Tư vấn không còn xa lạ với xã hội. Mỗi lúc gặp chuyện không vui, có những thắc mắc không thể giải đáp, người ta nghĩ đến chuyên gia tư vấn.

Các lĩnh vực tư vấn ngày mỗi rộng ra: tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, tư vấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên, tư vấn học đường, tư vấn pháp luật, tư vấn sức khoẻ... Các loại hình tư vấn cũng khá phong phú: phát thanh, truyền hình, tư vấn trực tuyến, báo in, tại các trung tâm, qua tổng đài...

Tư vấn không phải là cho lời khuyên, mà như chuyên gia tư vấn Ngô Minh Uy quan niệm "Tư vấn tâm lý là đưa ra cho thân chủ những giải pháp tối ưu để họ lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh. Chuyên gia tư vấn phải là người giúp thân chủ giải quyết tận gốc vấn đề. Chính vì thế, đòi hỏi nhà tư vấn phải có trình độ hiểu biết và năng lực".

Những kỹ năng cần thiết cho một chuyên viên tư vấn tâm lý:

Kỹ năng giao tiếp, trong đó đặc biệt là kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe không phải là nghe lời thân chủ mà chủ yếu là nghe được ước nguyện, cảm xúc, tình cảm... của họ. Nhà tư vấn chuyên nghiệp thường không nói nhiều mà nghe là chủ yếu. Khả năng giao tiếp thể hiện tích cực ở quá trình làm chủ bản thân của nhà tư vấn. Nhà tư vấn phải có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, tình cảm cũng như thời gian. Kỹ năng quan sát và phát triển vấn đề sẽ giúp cho nhà tư vấn thấu hiểu được những khúc mắc, xác định được đâu là vấn đề cần giải quyết. 

Chuyên gia tư vấn được xem là người định hướng của xã hội. Chính vì thế, ngoài những phẩm chất đạo đức cần có của một công dân, nhà tư vấn cần phải có đạo đức nghề nghiệp.

Chính ông Ngô Minh Uy cũng khẳng định: lời khuyên của chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ có ảnh hưởng lớn đến thân chủ. Thân chủ đến với nhà tư vấn khi họ không còn niềm tin, không biết phải làm gì... Phải có đạo đức, chuyên viên tâm lý mới lái thân chủ đến những phương pháp giải quyết lành mạnh.

Là nhà tư vấn tâm lý, điều quan trọng phải có trình độ về tâm lý. Những kiến thức này sẽ được trang bị trong trường ĐH và tích luỹ thêm bởi những va chạm thực tế, những kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, để trở thành quân sư của thân chủ, nhà tư vấn cần phải trang bị những kiến thức về kinh tế, xã hội, pháp luật... Càng hiểu biết nhiều, chuyên gia tư vấn tâm lý càng đưa ra những giải pháp sáng suốt.

Điều làm một nhà tâm lý lo lắng là thân chủ thiếu hợp tác. Khách hàng không tự tin vào bản thân mình và cũng không tin vào chuyên viên. Chính những lúc này, đòi hỏi nhà tâm lý phải linh động, tìm cách để khơi gợi lòng tin, khơi gợi để khách hàng nói ra được vấn đề của mình.

Học nghề tư vấn tâm lý ở đâu?

- Thực ra, hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TP.HCM đã đào tạo ngành Tâm lý khá lâu. Nhưng chuyên môn mà hai trường này chú trọng là cho ra lò những giáo viên dạy về Tâm lý giáo dục. Mấy năm trở lại đây, các kỹ năng thực hành về tư vấn tâm lý đã được đưa vào chương trình giảng dạy, để một cử nhân tâm lý có thể giảng dạy tâm lý giáo dục và trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý.

- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM) cũng đào tạo ngành Tâm lý học. Các trường này tuyển sinh khối C, D.

-Trường ĐHDL Văn Hiến tuyển sinh rộng hơn, chỉ tiêu nhiều hơn với các khối C, D, thậm chí cả khối A. Được đánh giá là nơi đầu tiên đào tạo tâm lý chuyên về lâm sàng, tư vấn tâm lý trị liệu. Theo thầy Trần Tuấn Lộ, trưởng Khoa Tâm lý của trường Văn Hiến: Năm nhất, SV được trang bị kiến thức về nghề tâm lý, nhận diện được mình sẽ học gì và nghề mình học sẽ như thế nào. Năm hai là sẽ năm học để SV khám phá ra năng khiếu, sở trường của mình: trở thành một chuyên viên tư vấn tâm lý tại bệnh viện, nhà trường hay doanh nghiệp… đương nhiên SV sẽ được thầy cô làm cố vấn cho việc chọn lựa bằng những bài tập thu hoạch. Sau khi đã định hướng được khả năng của mình, năm ba và năm tư là thời gian SV va chạm thực tế và rút kinh nghiệm cho mình. 

Kinh nghiệm, nắm bắt thực tế là điều cần thiết đối với một SV tâm lý. Bởi thế, trong quá trình học, SV đã phải làm quen với các buổi tâm lý thực nghiệm tại trường học, bệnh viện... Nói như cựu SV Ngô Thành Thuận, trường Văn Hiến: "Năm II là đi phát bao cao su, năm III tham gia trong một dự án tư vấn sức khoẻ sinh sản, năm IV thì trường kỳ ở các bệnh viện tâm thần".

Theo Vietnamnet