VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Nghề... làm mẹ


Công việc của "mẹ"

”Nếu các bé đến trường lúc 7 giờ thì cô nuôi dạy trẻ phải có mặt trước đó ít nhất 30 phút để làm vệ sinh lớp và chuẩn bị đón trẻ”, cô Kim Phụng (trường Mầm non 17A, Q.BT) cho biết. Và kể từ lúc đó cho đến chiều muộn, khi đã trả các bé về với cha mẹ, các cô giáo mầm non hầu như không có lúc nào ngơi nghỉ. Lúc thì lên tiết học với đủ loại hình thức khác nhau như tập thể dục, hát múa, đọc thơ, chơi lắp ráp, vẽ tranh, tô màu, nặn tượng... Khi lại dỗ dành, chăm chút đút từng muỗng cơm, dỗ từng giấc ngủ cho trẻ. Thỉnh thoảng có bé kêu lên: “Cô ơi cho con đi vệ sinh!” thì cô giáo lại phải chạy theo trẻ vào toilet! Khổ nhất là phải dọn rửa khi bé ói hoặc đi vệ sinh ngay trong phòng học. Nhiều giáo sinh đã bỏ nghề ngay tuần lễ đầu tiên thực tập vì không vượt qua được “cửa ải” này.

Làm “mẹ” - phải đâu chuyện đùa

Bạn đừng tưởng làm cô giáo mầm non thì suốt ngày chỉ chơi đùa, múa hát. Thật ra, ngoài năng khiếu, nghề nuôi dạy trẻ còn đòi hỏi bạn kiên nhẫn và chịu thương chịu khó lắm! Hãy tưởng tượng, bạn phải chăm sóc không phải một đứa con mà đến hàng chục đứa, từ sáng đến tối cứ nghe réo “cô ơi, cô à” suốt ngày này qua tháng khác, bạn sẽ thấy sự vất vả của nghề nuôi dạy trẻ.

“Cả ngày chăm trẻ, tối về nhà lại phải ngồi làm học cụ, soạn giáo án cho từng tiết dạy. Chẳng hạn khi cho các bé học về chủ điểm động vật, cô phải vẽ tranh các con vật, photo ra hàng trăm bản rồi cắt dán lên bìa cứng. Với trò câu cá thì cô tận dụng những quả banh nhựa tròn, dán thêm vây, đuôi, miệng bằng giấy thủ công... Coi vậy chứ mất thời gian lắm!”, cô Phương Thảo (trường Mầm non 11, Q.BT) kể.

Song song với việc tự làm học cụ, mỗi tháng các cô giáo mầm non còn phải làm 20 giáo án chính và 20 giáo án phụ. Cô Thu Hương (trường Mầm non Họa Mi 2, Q.5) cho biết: “Làm sao để trẻ hứng thú tham gia vào tiết học, làm sao để trẻ học được những kỹ năng cần thiết thông qua trò chơi, làm sao để định hướng và phát triển tâm lí trẻ đúng mực... là trăn trở của tất cả các cô giáo mầm non”. Đó là chưa kể, 2 tuần được nghỉ trước ngày khai giảng, các cô mầm non còn phải kiêm nhiệm luôn nghề quét vôi, sơn cửa, lau chùi nhà, bàn ghế, làm đồ chơi... để chuẩn bị đón một “đàn con” mới!

Có những niềm riêng...

“Cất đồ chơi đi con!”, cô Đan Phi (trường Mầm non 11, Q.BT) vừa dứt lời thì thằng bé... quăng hết đồ chơi xuống đất. Cô giáo mầm non mới 21 tuổi và vừa vào nghề được 3 tháng tâm sự: “Bực quá, mình chỉ muốn phết đít chú nhóc vài cái. Nhưng thấy thằng bé tròn xoe mắt như tự hỏi: “Sao cô muốn đánh mình?”, thế là mình phải ráng... hạ hỏa”.

Theo nghề nuôi dạy trẻ, có lẽ các cô ngại nhất chính là bị phụ huynh mắng vốn. Vì là trẻ con nên các bé dễ nổi cáu với nhau trong những lúc chơi đùa, cô giáo dù theo sát cách mấy cũng khó lòng ngăn kịp những cái ngắt nhéo hoặc cào cấu bất ngờ của trẻ. Và khi đó chỉ còn nước xin lỗi phụ huynh khi họ phàn nàn cô giáo đã để con mình bị trầy xước.

Niềm riêng thì nói bao nhiêu cũng không vơi, nhưng mỗi sáng, khi các bé rời vòng tay mẹ chạy đến ôm chầm lấy cô, thì những người theo "nghề làm mẹ" lại như được tiếp thêm sức mạnh để bắt đầu một ngày làm việc mới. Lòng yêu trẻ khiến các cô vẫn tiếp tục đón một ngày làm việc đầy vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, bởi nụ cười hồn nhiên của trẻ. 

Theo JobVN, Mực tím