Một ngày đẹp trời, chúng tôi được “tháp tùng” một đoàn gồm những chàng trai làm hướng dẫn viên và một nhóm khách Việt kiều Mỹ vào tận rừng sâu - nơi quần thể thác Datanla gồm nhiều thác nước ngoạn mục và vách đá cheo leo - làm nơi tập kết.
Đây là nơi lí tưởng để những người thích mạo hiểm tham gia leo vách đá và trượt thác nước. Đoàn chúng tôi xuất phát lúc 9g sáng và để có được một chuyến đi, hai hướng dẫn viên phải chuẩn bị nhiều thứ: từ dụng cụ chuyên dụng để leo núi, đến thức ăn, nước uống, thậm chí cả dụng cụ y tế cho đoàn. Phải nói những chàng trai làm hướng dẫn viên này là những người có sức khoẻ, vì với độ dài đi bộ qua những đoạn đồi nguy hiểm và vượt suối để đến được nơi tập kết phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chúng tôi cảm thấy mệt rã rời, thế mà những chàng trai này còn mang trên vai mỗi người… 25 kg hành lý.
Anh Đinh Quang Dương - một hướng dẫn viên cho biết, có thể nói Datanla là nơi duy nhất ở Việt Nam đưa môn thể thao leo vách đá vào khai thác du lịch, dù ở vịnh Hạ Long cũng có quần thể thác rất đẹp nhưng chưa được đưa vào khai thác du lịch. Vì là hướng dẫn viên, nên anh cùng các đồng nghiệp khác phải leo tất cả các vách núi hầu như hằng ngày. Điều khá thú vị là các anh không hề qua trường lớp nào, mà chỉ qua thực tế từ những chuyến đi.
Nguyễn Ngọc Thành - một thành viên - cho biết sau khi tốt nghiệp trường ĐH Đà Lạt, trong lúc chưa biết sẽ xin việc gì, anh xin vào làm… tạm ở công ty du lịch, lúc đầu cũng chỉ quá thích các môn thể thao này (leo núi, đạp xe, dã ngoại, trượt thác…). Không ngờ sau khi thử sức, anh lại “dính” luôn.
Dương kể cho chúng tôi nghe về nghề nghiệp của mình: gia đình ở tận Quảng Ngãi coi anh là người… thất nghiệp, vì “không hiểu thằng đó làm cái gì mà suốt ngày cứ vào rừng chơi không hà” - như lời ba mẹ anh nhận xét. Giới thiệu với bạn bè là hướng dẫn viên du lịch thì người ta còn hiểu chứ giới thiệu là hướng dẫn viên leo vách đá thì người ta… mù tịt. Thậm chí bạn gái chia tay cũng vì “không có nghề ngỗng gì”. Thế nhưng, anh cũng đeo nghề này gần 10 năm trời.
Sarah Nguyen thích thú với môn thể thao này |
Để đến được nơi tập kết, đoàn phải vượt qua nhiều đoạn nguy hiểm |
Để làm được nghề này, đòi hỏi phải có sức khỏe, lòng đam mê và nhất là phải giỏi ngoại ngữ, vì hầu hết khách đến tham gia tour du lịch này là người nước ngoài và Việt kiều. Cô Sarah Nguyen, Việt kiều Mỹ cho biết cô sinh ra ở Mỹ và đây là lần đầu tiên cô về VN.
Trước đó, cô chỉ biết VN qua lời giới thiệu của mẹ và lên… web. Một lần tình cờ “lang thang trên mạng” biết được Đà Lạt có đưa môn thể thao mạo hiểm này vào tour du lịch nên chuyến xuyên Việt lần này cô nhất định phải tham gia. Vì là người có chân trong câu lạc bộ leo núi trong nhà (tạo những vách núi gần giống như thật để các thành viên tập leo), nên những động tác của cô trông rất thành thục. Cô có thể leo vách núi thẳng đứng với đai an toàn là móc sắt do cô tự móc (không như chúng tôi khi leo phải có hướng dẫn viên giữ dây an toàn và theo dõi kỹ).
Không hiểu do sự nguy hiểm, hay phải đòi hỏi sức khỏe mà khách du lịch trong nước ít chọn tour này. Thành nói thẳng: “Khách nào là công tử hay tiểu thư thì không thể tham gia môn thể thao này được. Vì sau mỗi lần leo, bị trầy chân, sướt da là chuyện bình thường”. Cũng chính vì đặc thù của môn thể thao mạo hiểm này mà dụng cụ đi kèm phải được trang bị tận… chân tơ kẽ tóc và phải “tậu” hầu hết ở nước ngoài. Một đôi giày leo núi giá chuyên dụng ít nhất cũng 100 USD, rồi nào là dây, đai an toàn, mũ bảo hiểm, bao tay… đều là những thứ đắt tiền nên giá tour này hơi cao (28 USD/khách).
Theo LÊ HÂN - Thanh Niên