Để các bạn hiểu rõ hơn về ngành này, xin giới thiệu qua các phần việc cơ bản của một giám sát thi công xây dựng: Nghiệm thu xác nhận khi công trình thi công bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và bảo đảm chất lượng.
Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo đúng hợp đồng. Từ chối nghiệm thu khi công trình không đạt yêu cầu chất lượng. Đề xuất với chủ đầu tư xây dựng công trình những bất hợp lý về thiết kế để kịp thời sửa đổi...
Và, trong mỗi công trình, phần việc của người giám sát công trình sẽ nhiều ít khác nhau. Thông thường là người giám sát các hoạt động khảo sát, thi công, tư vấn giám sát. Theo dõi tiến độ triển khai công trình. Điều tra, thu thập số liệu hiện trạng trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng...
Một công trình thường có 2 giám sát: - Kỹ sư tư vấn giám sát (TVGS, gọi tắt là giám sát bên A): được chủ đầu tư (CĐT) thuê để tư vấn cho CĐT về tất cả những gì liên quan đến công trình xây dựng, đồng thời giám sát công tác thi công của nhà thầu xây dựng trên cơ sở bản vẻ thiết kế đã được công ty thiết kế lập. Kỹ sư TVGS chịu trách nhiệm trước CĐT và pháp luật về chất lượng của công trình.- Kỹ sư giám sát thi công (GSTC, kỹ thuật B, giám sát B): triển khai bản vẽ thiết kế ra thực địa: chỉ đạo, kiểm tra công nhân thi công theo bản vẻ, hồ sơ thiết kế, hồ sơ trúng thầu đã được CĐT phê duyệt.
Hiện nay, có nhiều tổ chức tư vấn thiết kế đăng ký hành nghề thêm lĩnh vực giám sát thi công bên cạnh chủ đầu tư. Và luật pháp cũng có những quy định: Muốn được phép hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, tổ chức tư vấn thiết kế, ngoài những yêu cầu năng lực cho công tác thiết kế, công tác lập dự án còn phải có năng lực về giám sát công trình. Những kỹ sư trong tổ chức tư vấn thiết kế muốn được hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải có trình độ đại học trở lên thuộc ngành phù hợp với lĩnh vực hành nghề xin đăng ký và đã trực tiếp tham gia thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng công trình ít nhất 5 năm, đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng. |
Chất lượng của một công trình tuỳ thuộc vào người GSTC xây dựng công trình. Người giám sát giỏi, có đạo đức thì công trình có chất lượng và ngược lại. Chính vì thế, để trở thành một GSTC công trình không là điều đơn giản. Và nếu không có đạo đức, người giám sát dễ nhắm mắt trước những bất hợp lý khi thi công.
Học nghề này ở đâu?
Rất nhiều trường ĐH trong cả nước có đào tạo chuyên ngành Xây dựng, thường với tên gọi Xây dựng dân dụng và công nghiệp.
ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Hồng Đức, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH DL Đông Đô, ĐH DL Hải Phòng, ĐH DL Phương Đông, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH BC Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH DL Bình dương, ĐH DL Cửu Long, ĐH DL Duy Tân, ĐH DL Hồng Bàng, ĐH DL Kỹ thuật - Công nghệ TP.HCM, ĐH DL Văn Lang...
Mỗi trường có một ưu thế đào tạo riêng. Trường Sư phạm kỹ thuật đào tạo xen kẽ thêm phương pháp giảng dạy. Nhưng tất cả đều cung cấp cho SV những kiến thức cơ bản theo chương trình khung của Bộ về kết cấu, thi công, trắc địa, địa chất công trình, sức bền vật liệu, nền và móng, cấp thoát nước...
Thời gian học khoảng 4,5 đến 5 năm. SV phải tiến hành làm các bài tập lớn, đồ án trong quá trình học. Và làm đồ án tốt nghiệp, đồng thời phải đi thực tế đến các công trình. Theo thầy Nguyễn Huy Văn, Phó khoa Kiến trúc - Xây dựng của trường Văn Lang, có đến 80% SV của trường có việc làm ngay khi ra trường.
Khoá Giám sát thi công sẽ mang đến những kiến thức về tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, các thông tư văn bản mới về xây dựng... Kết thúc khoá học, học viên sẽ nắm vững kiến thức và với kinh nghiệm vốn có, sẽ không còn ngỡ ngàng trước thực tế.
Nghề không dành cho nữ
Anh Minh Khôi, kỹ sư xây dựng khẳng định: "Đây không phải là nghề dành cho phái nữ. Nghề không chọn nữ và nữ cũng không chọn nghề. Nếu có chăng chỉ làm thiết kế, hay văn phòng". Khoá học của Khôi đến 3 lớp mà chỉ có 2 nữ. Những khoá học khác, của các trường khác cũng như thế. Anh Khôi giải thích: "Dù có khoẻ đến đâu, cũng ít bạn nữ bám trụ được với công trình cả ngày lẫn đêm. Chưa tính đến chuyện nay công trình này, mai công trình khác, chu du khắp thiên hạ".
Ngày nào cũng thế, có mặt tại công trình lúc công nhân bắt đầu làm việc. Và luôn là người về sau cùng. Hôm nay đang ở Huế ngày mai lại phải có mặt ở Đà Nẵng. Công trình Đà Nẵng chưa xong, công ty lại nhận thêm việc ở Đồng Hới... Chạy suốt như thế, đòi hỏi phải có sức khoẻ thật tốt. Trung bình, mỗi ngày anh Khôi làm việc 11 tiếng đồng hồ, có mặt ở công trình suốt thời gian làm việc. Làm cả thứ bảy và Chủ nhật. Anh ví von mình cũng như một công nhân, chỉ khác là mình không trực tiếp làm mà là kiểm tra, hướng dẫn công nhân hoàn thành công việc. Nói là thế, nhưng cũng có lúc phải bắt tay vào làm.
Đau đầu vì công việc luôn là chuỵên thường ngày của một giám sát thi công. Thời tiết, khí hậu không ủng hộ cũng là một khó khăn. Trời nắng gắt, mưa bão đều gây cản trở thi công làm chậm tiến độ thi công công trình. CĐT không cung ứng vốn kịp thời, không có tiền mua vật liệu, không có tiền trả lương công nhân...
Sợ nhất là những công trình không thực hiện đúng tiến độ. Thời gian như nước rút, công nhân thì có thể thay ca, còn kỹ sư giám sát thì... làm luôn 3 ca.
Nếu không có đạo đức, người giám sát thi công dễ... cho qua những lỗi nhỏ và lớn tuỳ thuộc vào sự đối đãi của đối tác. Nhiều kỹ sư giám sát thi công công nhận: "Cám dỗ luôn luôn có, có mỗi ngày". Và đương nhiên, công trình càng có nhiều khuất tất thì kỹ sư giám sát thi công càng được... "ưu ái".
Anh Thắng, một kỹ sư GSTC tại TP.HCM nói đùa: "Mãi chẳng lấy được vợ. Suốt ngày tiếp xúc với sắt, thép. Nghe nói làm bên xây dựng là mấy cô trốn mất tiêu". Ở công trường từ mở mắt đến khi không còn thấy đường để làm. Không có khái niệm ngày thứ 7,CN. Người lúc nào cũng bám đầy bụi. Nếu có trốn đi cafe thì cũng chỉ dám đi với những anh em đồng nghiệp. Cơ hội hẹn hò bạn gái là hiếm hoi.
Theo quy định tại Điều 6 Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18-4-2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì cá nhân đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cần phải đảm bảo các điều kiện sau: - Có quyền công dân và có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 4 của Quy chế này thì Bộ Xây dựng là cơ quan thống nhất quản lý và phát hành chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình. Vụ Xây lắp - Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện công việc này. Giám đốc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là người trực tiếp cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cho các cá nhân đăng ký cấp chứng chỉ khi có đủ các điều kiện nêu trên. |
Theo VietNamNet