Tập sự
Vào đầu mùa du lịch, các công ty du lịch, lữ hành thường tìm đến các khoa, trường đào tạo chuyên ngành để tuyển SV giỏi, có thể đáp ứng yêu cầu của công ty tham gia hướng dẫn du lịch. Nhu cầu này ngày càng gia tăng và bước đầu đã hình thành các đầu mối cung cấp dưới hình thức công ty chuyên cung cấp cộng tác viên (CTV) hướng dẫn, CLB hướng dẫn viên...
Trên thực tế, trừ số ít công ty lớn đủ tiềm lực nuôi bộ khung và đội ngũ HDV chuyên nghiệp, đa phần các công ty kinh doanh du lịch, lữ hành chỉ sử dụng từ 3-5 nhân viên điều hành và trực văn phòng, nên đội ngũ CTV hướng dẫn được sử dụng phổ biến. Thời kỳ cao điểm, có công ty sử dụng tới 20-30 CTV thường xuyên. Tuy nhiên, với vốn kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, các CTV SV chỉ được mời tham gia các tour du lịch nội địa và City tour như dẫn học sinh đi tham quan, đưa các công ty, đơn vị, DN đi nghỉ mát... Đây không chỉ là dịp để nhiều SV thử sức với nghề mà còn là cơ hội có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Là SV năm thứ ba khoa Văn hóa du lịch, ĐH Văn hóa Hà Nội, Đỗ Văn Học đã làm CTV hướng dẫn cho hơn 10 công ty du lịch lớn, nhỏ. Mỗi tour nội địa, Học được trả 150.000đ/ngày, tour trong thành phố được 100.000đ/ngày, mức thu nhập bình quân những tháng cao điểm của Học khiến nhiều SV mơ ước - khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nhiều SV khác cũng có mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng.
Tích lũy vốn nghề
Với Hoàng Thị Hương Cúc, SV Cao đẳng Du lịch Hà Nội, càng đi tour nhiều, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là sự khéo léo, mạnh dạn trong giao tiếp, hoặc cách pha trò, kể những câu chuyện hài để xua tan sự mệt mỏi, căng thẳng cho khách; hay đơn giản là phân biệt hóa đơn VAT khác với hóa đơn thanh toán thông thường như thế nào...
Điều khiến Cúc cảm thấy yên tâm nhất là cơ hội việc làm tại TP ngày càng rộng mở. Các hướng dẫn viên trẻ ví công việc của mình như "nuôi con mọn" vì vừa phải lo công tác hậu cần chu đáo, đảm bảo an toàn cho khách vừa giải quyết các phát sinh khách quan...
Chuyện khách ngẫu hứng thay đổi các điểm trong lịch trình diễn ra như "cơm bữa", trong những trường hợp đó, việc khéo léo tìm hướng giải quyết để vừa đảm bảo quyền lợi, uy tín của công ty vừa không làm phật lòng khách không đơn giản. Thúy - SV Đại học Hà Nội kể: Trong 1 lần đi tour Hạ Long, theo lịch trình khách sẽ đi thăm vịnh bằng tàu thủy, nhưng do có bão nên buộc phải hoãn. Không để khách thất vọng, Thúy đã nhanh trí hỏi thăm người dân địa phương và tìm được đường dẫn khách đi tham quan bằng đường bộ. Không ngờ, khách rất thích thú vì vừa được ngắm đèo, vừa được leo núi mà vẫn ngắm được phong cảnh vịnh.
Tích lũy kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi để lại tiếp tục một chuyến đi mới. Với sức trẻ và không ngại thử thách, các bạn trẻ đã tự trang bị bản lĩnh và tự tin để đi theo con đường mà mình đã chọn.
Đâu là những chuẩn mực quốc tế của một hướng dẫn viên du lịch (HDV DL) khi du lịch là ngành sẽ hội nhập nhanh hơn những ngành khác? Để quảng bá hình ảnh về đất nước và con người VN, ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính những HDV DL là những vị "đại sứ" trực tiếp làm công tác quảng bá hiệu quả và thiết thực nhất. Để làm được như vậy thì mỗi HDV DL phải tự trang bị cho mình một nền tảng văn hóa Việt thật vững, khả năng tinh thông ít nhất một ngoại ngữ, và một bản lĩnh nghề nghiệp để bình tĩnh đối phó với những tình huống phát sinh khi dẫn tour. Giao tiếp tốt bằng một ngoại ngữ khác nhưng không có kiến thức về lịch sử văn hóa dân tộc, biết nhiều điều hay về lịch sử nước nhà nhưng lại không giỏi ngoại ngữ đều trở thành những điểm hạn chế sự hấp dẫn của du lịch VN. Nghề HDV DL thực sự là một công việc đòi hỏi rất khắt khe. Đứng trước du khách, bạn sẽ vừa phải là một nhà văn hóa, một nhà sử học, một nhà ngoại giao và là một nhà kinh doanh tiếp thị sắc sảo. Hãy hình dung công việc của một HDV DL như công việc của một vị đại sứ, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp, nét văn hóa và cái nhìn đúng đắn về đất nước và con người VN. Để làm được những điều đó, mỗi HDV phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và cập nhật tin tức thời sự hàng ngày. Đam mê với nghề, thích khám phá, học hỏi và giao tiếp là những tính cách sẽ khiến bạn gắn bó với nghề HDV lâu dài. Sự khắt khe của nghề cũng sẽ là một thử thách, nhưng HDV DL vẫn là nghề có sức hút kỳ lạ, cả với những người làm nghề khác có được thu nhập tốt hơn. Sự mới mẻ sau từng chuyến tour, với những câu chuyện dọc đường với du khách, những chia sẻ, đồng cảm về văn hóa - lịch sử... chính những HDV sau mỗi chuyến tour đều có cảm nhận kiến thức của mình được "đầy" hơn, khả năng thích ứng cao hơn, và trưởng thành hơn. Khó khăn, thử thách sẽ không là trở ngại với những bạn muốn theo nghề. Cơ hội luôn rộng mở cho các vị "đại sứ" với "nụ cười du lịch". |
Theo Lao động