Nằm vắt ngang đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn phường 11, quận 5 - TP.HCM có một con đường nhỏ tên Lương Nhữ Học. Đường nhỏ, xóm thêu cũng nhỏ với dăm bảy tiệm tồn tại lặng lẽ hơn chục năm nay. Nhưng sản phẩm của xóm thì có mặt ở khắp nơi, từ Sài Gòn đi các tỉnh. Những bộ drap, áo gối mà nhiều gia đình đang sử dụng, ngay cả áo quan âm, trang phục múa lân đều xuất phát từ xóm thêu này...
Nghề thêu cũng lắm công phu
Xóm thêu gọi chị là chị Năm. Gần như người ta đã quên hẳn cái tên cúng cơm Phan Thị Sì của chị. Bà con quanh đó khen: “Chị Năm hiền và giỏi lắm”. Thợ của chị cũng vậy. Mỗi khi ngồi vào bàn thêu, họ lại dồn hết tâm trí cho từng đường kim, mũi chỉ, như quên hẳn ngoài kia cuộc sống sôi động vẫn đang tiếp diễn.
“Một khi vẫn còn đó những tấm lòng trải rộng với từng đường kim mũi chỉ, vẫn còn dồn hết tâm huyết và say mê nghề nghiệp, tôi tin nghề thêu sẽ không thể nào tàn lụi dù thời huy hoàng của nó đã qua” |
Cầm tấm drap lên, chị nhỏ nhẹ chỉ cho tôi: “Này là mũi thẳng, kia là mũi tròn, còn đây là mũi tự do...”. Thấy tôi khen màu sắc tươi tắn của sản phẩm, chị bảo khâu pha màu rất khó. Sản phẩm hơn thua nhau ở khâu này. Rất nhiều thợ cho đến lúc ra nghề cũng chưa biết cách phối màu sao cho hài hòa.
Tỉ như một đóa hoa phải biết phối làm sao để đi từ phơn phớt hồng đến hồng đậm. Chiếc lá, con rồng, con phụng cũng vậy. Nếu thêu chữ phải biết cách xoay để nét chữ mềm mại, có được độ cong cần thiết. Nói chung, nhìn sản phẩm là biết được trình độ của thợ.
Dạy học trò cặn kẽ như thế nhưng cho tới giờ chị vẫn chưa yên tâm để có thể giao toàn bộ hàng cho “lính”. Không khó để nhận ra sản phẩm của chị giữa các mặt hàng cùng loại bởi từng đường chỉ mịn màng, trơn láng, màu sắc hài hòa...
Theo nghề từ thời con gái đến giờ, vậy mà chị vẫn cảm thấy nao nao mỗi khi thêu mấy chữ “Trăm năm hạnh phúc”, “Bách niên giai lão” cho khách hàng: “Cứ nghĩ đến niềm vui của những đôi trai gái trong đêm tân hôn, tự nhiên mình cũng thấy vui lây” - chị tâm sự.
Ba đời “ăn ở” với nghề
Nghề thêu tưởng chỉ dành riêng cho phái nữ vậy mà người dẫn chị vào con đường thêu thùa lại chính là anh Hiếu, chồng chị. Cái nghề gia truyền ấy đã tồn tại ở gia đình anh từ rất lâu, trước khi cô gái Campuchia gốc Việt này chính thức bước vào đời anh qua một lời mai mối. Tên khai sinh của anh là Hiếu và Nghĩa là tên thường gọi. Anh chị đã ghép hai tên ấy lại đặt cho tiệm của mình.
Một góc xóm thêu ở phường 11, quận 5 - TP.HCM |
Nghề thêu học được từ chồng, chị lại truyền cho em trai, em dâu rồi cháu... Gia đình nội ngoại hai bên đều rành rẽ nghề thêu. Nay, sau nhiều năm dành dụm, cậu em cũng vừa mở được một cửa hàng riêng gần với cửa hàng của chị mình, độc lập làm, song có khó khăn gì lại quay về tham khảo ý kiến bà chị.
Anh Hiếu, chồng chị, kể: “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nghề thêu đang ăn nên làm ra, xóm thêu luôn tấp nập. Khách hàng có cả những ông tây bà đầm”. Thợ thêu của xóm phần đông từ lò đào tạo của anh chị mà ra. Nhiều em ở các tỉnh xa nghe tiếng cũng lặn lội tìm đến để rồi có một cái nghề lại quay về với nơi đã ra đi để mở tiệm. “Thảng hoặc có dịp lên Sài Gòn, tụi nhỏ lại ghé thăm, chỉ cần nghe tụi nhỏ cho biết làm ăn được là tôi vui cả ngày, hơn cả chuyện bán được hàng” - chị bộc bạch.
Mới đó mà đã mười mấy năm. Mười mấy năm sống chết với nghề thêu đã giúp vợ chồng chị nuôi được cô con gái sắp bước vào lớp 11 và cậu con trai đang tuổi mẫu giáo.
Xoay trở để tồn tại
Trước đây, vào thời hoàng kim của nghề thêu, hàng hóa của xóm còn theo thương lái đổ về các tỉnh lân cận. Để mẫu mã đa dạng hơn, thỉnh thoảng chị Năm lại ghi nhớ vài câu chúc đơn giản bằng tiếng Anh hoặc sưu tầm những hình ngộ nghĩnh trên bìa tập của con làm mẫu thêu. “Hồi đó, một tiệm thêu có gần 20 thợ là chuyện thường, còn bây giờ mỗi tiệm chỉ năm - ba thợ. Thói quen mua một cặp áo gối uyên ương “Trăm năm hạnh phúc” hay một tấm drap “Bách niên giai lão” được thêu bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Việt... dường như đang dần mất đi” - giọng chị Năm chợt buồn buồn.
Giờ đây, xóm thêu không còn tấp nập, đông vui và mọi người phải nghĩ cách làm ra những sản phẩm “theo nhu cầu thị trường” như thêu áo quan âm, trang phục múa lân... Chủ một tiệm thêu tâm sự: “Việc thêu tranh nghệ thuật, thêu tranh thư pháp chúng tôi cũng đã nghĩ đến, đang cố gắng tìm thị trường, khách hàng rồi sau này sẽ tính đến việc nâng cao tay nghề cho thợ”.
Hy vọng, đây sẽ là hướng đi mới cho xóm thêu. Hy vọng một ngày kia sản phẩm mới của họ lại xuôi ngược khắp mọi miền...
Theo Người lao động