Hàng trăm bức tranh nghệ thuật to nhỏ đầy màu sắc được trưng bày trong những gian phòng khá chật chội ngay mặt tiền đường Bùi Viện, Q.1 - TP.HCM. Đoạn đường không dài nhưng là nơi "đóng đô" của hàng chục phòng tranh nghệ thuật.
Tranh sao chép hút khách nước ngoài
Gallery Vân Anh nằm ngay ở ngã tư Bùi Viện - Đề Thám, với diện tích chừng 15 m2 nhưng gây ấn tượng bởi hàng loạt bức tranh sơn dầu đủ các trường phái treo kín trên tường và xếp lớp dưới nền nhà. Giữa phòng tranh, 8 họa sĩ trẻ đang mải mê thể hiện những nét vẽ nhanh, chính xác lên khung phông lớn để trước mặt. Họ vừa vẽ vừa liên tục quan sát và so sánh với bức tranh mẫu nhỏ để ở vị trí dễ nhìn kế bên.
Theo quan sát của chúng tôi, trên đường Bùi Viện có khoảng hơn 10 phòng tranh như thế. Những phố xung quanh như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám... cũng có khá nhiều phòng tranh. Chị Vân Anh, chủ gallery Vân Anh cho biết phòng tranh của chị đã hoạt động được gần 10 năm nay. Gần đây, do nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài và nhu cầu mua tranh của khách du lịch nước ngoài tăng lên nên chị đã mời khá nhiều họa sĩ trẻ đến làm việc trong phòng tranh này. Phần lớn họ là SV mỹ thuật mới ra trường và một số họa sĩ trẻ có tay nghề giỏi.
Còn chủ của gallery Nguyễn Hoa Tươi trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1 cho biết mỗi tháng phòng tranh của chị bán được trên dưới 10 bức tranh lớn sao chép sẵn, bên cạnh đó, số người chơi tranh đưa mẫu đến sao chép cũng khá nhiều, đa phần là người nước ngoài.
P. Daniel, một khách du lịch đến từ Nam Phi cho biết, những bức tranh sơn dầu do họa sĩ VN thể hiện tại các phòng tranh gây ấn tượng mạnh đối với anh. Anh chỉ cho tôi bức tranh anh đặt vẽ tại gallery A.T, bức tranh theo trường phái ấn tượng có bóng áo dài của cô gái VN đội nón lá nhưng không rõ mặt. Daniel cho biết, một lần tình cờ anh nhìn thấy bức vẽ này ở một phòng tranh bán với giá rất đắt, anh đã xin chụp lại rồi đến phòng tranh này sao chép lại.
Chân dung đắt giá
Bức tranh Nụ hôn của Klimt, một trong những bức tranh đắt giá nhất thế giới đang được đặt sao chép rất nhiều tại các phòng tranh này. Bên cạnh đó là tranh cổ điển của Van Gogh, tranh phố cổ Hà Nội, một số bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ trong và ngoài nước như Cậu bé và cái tẩu (Pablo Picasso), Nàng Mona Lisa (Leonardo da Vinci), Thiếu nữ bên hoa huệ (Tô Ngọc Vân)... cũng được các họa sĩ tái hiện rất nhiều.
Hầu hết các họa sĩ ở các phòng tranh này thừa nhận chép tranh chân dung là khó nhất và mất nhiều thời gian bởi không chỉ giống đến từng chi tiết, bức tranh chân dung đạt cần phải thể hiện được cả hồn của bức tranh gốc. Tranh phong cảnh dễ tái hiện hơn nhưng cũng tùy thuộc vào từng trường phái.
Giá bán tranh tại các phòng tranh chênh lệnh nhau khá rõ, tuy nhiên có thể nhận thấy, tranh chân dung luôn đứng đầu về giá. Theo Ngọc Anh, họa sĩ làm việc ở gallery Nguyễn Hoa Tươi, tranh sao chép kích cỡ 60 cm x 80 cm có giá khoảng 800.000 đồng/bức. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, phần lớn tranh chân dung sao chép sẵn được bày bán có giá 1,5 triệu đến 2 triệu đồng cùng kích cỡ trên. Tranh phong cảnh giá mềm hơn khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một bức cỡ 60 cm x 80 cm. Kích cỡ càng lớn thì giá càng cao, có bức lên tới vài chục triệu đồng.
Phía sau phông vẽ
Đối với những người đã được đào tạo chính quy tại các trường mỹ thuật, việc sao chép tranh không phải là quá khó. Tuy nhiên, để vẽ một bức tranh bằng sơn dầu giống hoàn toàn với bức tranh mẫu và vừa lòng khách hàng thì không đơn giản chút nào. Hoàng, học sinh trung cấp mỹ thuật ra trường 3 năm, hiện đang làm việc cho phòng tranh Thịnh Long, đường Bùi Viện, Q.1, cho biết phụ thuộc vào nội dung và kích cỡ nhưng thông thường mất khoảng 5 ngày để hoàn thành một bức tranh.
Sửa tranh là công việc thường xuyên của những người làm nghề sao chép tranh. “Người chơi tranh, đặc biệt là nước ngoài rất khó tính, có khi phải bỏ ra cả ngày để người sửa tranh theo đúng ý của khách hàng thì họ mới chịu nhận tranh”, Hoàng cho biết. Theo chị Vân Anh, không ít bức tranh dù đã được kiểm tra tỉ mỉ, nhưng khi giao hàng sang nước ngoài, họ lại gửi trả về vì không đạt. Nhiều bức sửa không được đành phải cho vào kho hoặc bán rẻ cho khách du lịch dễ tính.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn những người làm nghề vẽ tại các phòng tranh này không có lương cố định. Họ được trả công theo sản phẩm. “Nếu là bức tranh lớn có giá trị khoảng 1 triệu đồng, thì bọn mình được trả công khoảng 400.000 đồng. Nhưng cũng có bức chỉ có giá vài trăm ngàn, tiền công cho những bức tranh như thế không đáng là bao”, Hoàng cho biết.
“Người có tay nghề cứng và siêng năng thì mỗi tháng mới kiếm được khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu đồng”, chị Vân Anh nói về “lương” của những người làm nghề sao chép tranh. Tuy nhiên, hầu hết các họa sĩ làm nghề sao chép tranh tại các phố này đều rất trẻ, họ cho biết họ gắn bó với nghề sao chép tranh để rèn luyện tay nghề và được làm đúng nghề mình học đã là một hạnh phúc. Một họa sĩ ở gallery Vân Anh cho biết, ngoài giờ làm việc tại phòng tranh, đêm đêm anh vẫn dành thời gian sáng tác những tác phẩm riêng cho khỏi “cùn” ý tưởng và đôi khi cũng bán được với giá cao.
Theo Người lao động