Một ngày của kỹ sư tự động hóa
Công việc tưởng chừng rất đơn điệu và nhàm chán, chạy qua chạy lại những vòng quay của một dây chuyền sản xuất? Không hẳn vậy!
“Mình làm cho công ty công nghệ và thiết bị Hàn. Bọn mình chế tạo và lắp ráp máy cắt tôn CNC bằng gas hoặc Plasma. Đơn đặt hàng vẫn còn “nóng hổi”. Anh em lại chuẩn bị bắt tay vào “vụ” mới. Đơn giản là: theo yêu cầu của “thượng đế”, bọn mình sẽ bắt đầu tính toán những thiết bị cần thiết, ngoài khung. Đặt mua những thiệt bị trong nước không có”.
“Đọc tài tiệu hướng dẫn kỹ thuật bằng tiếng Anh sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, kết nối theo sơ đồ, thiết lập các thông số trên máy vi tính, vẽ phần mềm thiết kế cơ khí cho máy cặt tự động cắt tất cả các loại hình cơ khí đã lập trình. Vận hành thử, lắp đặt cho khách hàng, bảo dưỡng định kỳ cho máy trong thời gian bảo hành. Mình đã mất gần một năm thử việc mới được giao những công việc “thực chất” của một kỹ sư tự động hóa. Lý thuyết và thực hành khác xa nhau”, Dương Văn Văn giải thích.
Công việc còn có thể là vận hành thiết bị tự động cho một dây chuyền sản xuất như: nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy bia, cung cấp lắp đặt thiết bị hạ tầng tự động…
Nhiệm vụ của kỹ sư tự động hóa là theo dõi các hệ thống điều khiển, phát hiện những sai sót của hệ thống để kịp thời sửa chữa hoặc hoàn thiện, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống điện tự động…
Nguyễn Quyết Tiến là kỹ sư tự động hóa của công ty TNHH Vạn Tường. Theo anh, ngoài công việc thuần tuý kỹ thuật "chúng tôi còn có thể kinh doanh trong lĩnh vực tự động". Nhờ có những kiến thức và hiểu biết, anh có thể tư vấn cho khách hàng về các loại thiết bị đo lường và hệ thống điều khiển cho nhà máy, lắp đặt, bảo hành. Thu nhập cũng khá ổn.
“Ra trường, mình không khó khăn lắm để xin việc. Bây giờ mình đang làm việc cho Công ty Tự động hóa Điện tử - Tự động. Khi còn học Bách khoa mình đã được nhận vào làm thử, ra trường có kinh nghiệm nên bắt đầu làm việc ngay mà không “bị” đào tạo lại. Mình làm trong dây chuyền sản xuất máy trộn xi măng tự động. Theo dõi sự làm việc của nó sau khi đã nghiệm thu, công đoạn đầu vẫn là mua thiết bị, cài đặt các thông số, lắp đặt máy, giám sát kỹ thuật trong quá trình vận hành thử máy", Thành Tâm dẫn tôi đi “thực tế” xưởng sản xuất rồi kể về những cuộc hành trình lắp đặt thiết bị từ Bình Định đến Hà Giang.
Học và hành
Hầu hết các trường kỹ thuật, công nghiệp đều đào tạo ngành hoặc Bộ môn tự động hoá: ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Thái Nguyên…
Bộ môn Tự động hoá xí nghiệp Mỏ và dầu khí của ĐH Mỏ - Địa chất được tách ra từ Bộ môn điện khí hoá xí nghiệp Mỏ - dầu khí. Thầy Đào Văn Tân, Trưởng Bộ môn Tự động hoá cho biết: “Chúng tôi chủ yếu đào tạo SV trong lĩnh vực xí nghiệp mỏ-dầu khí và mở rộng ra cả xí nghiệp điện, nhà máy nước…Năm 2005, có 45 SV bảo vệ đồ án khoá đầu tiên, trong các tân kỹ sư mới bảo vệ, Tổng công ty Than Việt Nam đã trực tiếp đến Bộ môn xin 20-25 chỉ tiêu, có đơn vị quân đội cũng đặt vấn đề tuyển 20 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực quân sự”.
Bộ môn Tự động hoá, khoa Điện của Trường ĐH Bách khoa HN luôn có điểm phẩy xét vào chuyên ngành cao nhất (cao hơn cả khoa CNTT) từ 7,2-7,9.
Nguyễn Ngọc Phương, Lớp TĐH2-K46 kể: “Học Bách khoa đạt 7,0 là một cố gắng khá vất vả. Bạn nghĩ rằng chúng mình không lo lắng lắm vì đã có nền tảng từ cấp 3? Chỉ đúng một phần. Nhưng cũng có những môn học không dễ, như môn “kỹ thuật xử lý nâng cao”, lớp mình gần như “rụng” sạch trong lần thi thứ nhất, không phức tạp lắm, nhưng thật khó khăn khi phải đối mặt với một dặc dài các công thức - khó ai có thể nhớ nổi. “Tổng hợp hệ điện cơ”, “Điện tử công suất”, “Điều khiển sản xuất tích hợp”… cũng là những môn khó “nhai”. Chúng mình học rất nhiều kiến thức về Điện và kỹ thuật lập trình”.
Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, trước mắt, khi VN gia nhập WTO, kỹ sư tự động hóa không những được đào tạo cơ bản mà còn phải thật vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng thực hành, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học.
Mỗi năm, cả nước cho “ra lò” lượng kỹ sư TĐH khá đông. Nhưng, cũng như hiện tượng phổ biến ở nhiều ngành nghề khác, khi bắt tay vào công việc, các tân kỹ sư đều lóng ngóng. Đơn vị tuyển dụng đều phải dành thời gian cho kỹ sư mới “học việc”, thử việc và “đào tạo lại”. Phải mất 6 tháng - 1,5 năm, họ mới thực sự hiểu về công việc mà mình đang làm", anh Trần Mạnh Song, Giám đốc Công ty PIDI nhận xét.
“Mỗi năm, công ty tôi cũng tuyển khoảng 5 - 6 suất, nhưng trong số họ chỉ chọn được ra 1-2 người sau thời gian thử việc. Khi cầm trong tay bảng điểm của họ, tôi thường chỉ chú ý đặc biệt đến điểm số của những môn chính, quan trọng. Thực ra, kết quả đánh giá về học tập cũng chưa nói lên được nhiều về năng lực của ứng viên".
Thời gian thử việc sẽ chứng minh và thuyết phục. Tốt hơn hết, có một cái đầu thật sáng tạo, khả năng thích ứng công việc tốt, nhất là “hoà đồng” với điều kiện làm việc theo nhóm, bắt tay hợp tác…
Theo VietNamNet