Bán cái mình không có
Tôi thực sự không biết nhiều về công việc môi giới tàu biển (shipbroker) cho đến khi nhận được công việc này ở Singapore. Shipbroker, về bản chất cũng giống như các công việc môi giới khác là đóng vai trò người trung gian giữa kẻ bán và người mua, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh từ hai phía, giải quyết các mâu thuẫn khác biệt, tìm giải pháp để hai bên có tiếng nói chung và đi đến thỏa thuận.
Có thể phân loại shipbroker theo nhiều tiêu chí, về cơ bản có 2 loại: Chartering broker làm các công việc liên quan đến thuê tàu biển, có thể là thuê tàu chuyến hay thuê định hạn. S&P broker làm các công việc liên quan đến mua bán tàu.
Đây là một nghề rất cạnh tranh, thực sự nghề broker nói riêng (không chỉ shipbroker) hay sales nói chung (broker cũng là kiểu sales, chỉ có điều không có sản phẩm trực tiếp để bán mà bán cái mình không có) mang lại môi trường tốt nhất để học hỏi về kinh doanh. Đặc biệt, nghề broker do vị trí đứng ở giữa nên biết được những mánh khóe của cả 2 bên, và còn phải tự bảo vệ bản thân mình.
Shipping là ngành có tính quốc tế rất cao, làm việc giữa nhiều múi giờ, vì thế công việc của broker rất bận rộn, nhất là broker thuê tàu chuyến, làm việc không kể ngày đêm. Nhiều khi tính cách cũng trở nên biến đổi, trở nên quá năng nổ hay quá hung hăng. Theo một nghiên cứu gần đây, phần lớn brokers ở London đều nghiện rượu, thuốc lá.
Áp lực trong ngành cũng rất cao, vì thế sẽ không có lợi cho sức khỏe nếu không biết kiểm soát stress, và do broker là công việc rất có tính cá nhân nên nhiều khi khó tìm người thay thế để nghỉ, thậm chí ốm cũng vẫn phải vừa uống thuốc vừa viết email.
Hiểu biết rộng, kiên nhẫn cọ xát
Broker không tự sản xuất ra sản phẩm hữu hình nào, vì thế những gì broker mang lại cho khách hàng chính là thông tin được phân tích và định hướng. Do đặc thù công việc, làm broker phải luyện được khả năng ăn nói, đàm phán, quan hệ khách hàng rất tốt. Tuy nhiên, nếu muốn làm thành công, phải luôn tỉnh táo để biết vị trí mình ở đâu, lúc nào mình phục vụ lợi ích cho bên nào (nhiều khi cùng lúc phục vụ cả 2 bên) và còn phải biết phân biệt đâu là việc riêng, đâu là kinh doanh.
Nghề này phải luyện được khả năng chịu áp lực lớn cũng như chịu được thất vọng lớn. Do có quá nhiều yếu tố chi phối sự thành công của một thỏa thuận như thị trường, thời tiết, tình hình chính trị, quan điểm hay thậm chí là tính cách của khách hàng. Nhiều trường hợp người làm nghề này sẽ rơi từ trạng thái hưng phấn cao độ sang thất vọng tuyệt đối, nên muốn tồn tại thì phải biết cách kiểm soát bản thân, biết cách tự động viên.
Điểm hay của nghề này là có điều kiện gặp nhiều đối tác đến từ nhiều nước, nhiều dân tộc khác nhau, vì thế sẽ biết cách làm việc giữa nhiều nền văn hoá khác nhau, và đồng thời cũng phải hiểu biết nhiều lĩnh vực và tập quán vì broker nhiều khi sẽ có vai trò của cả nhà tư vấn các vấn đề luật pháp, kỹ thuật, tài chính, thuế ...
Thông thường, để xây dựng được một quan hệ kinh doanh phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Broker không có chuyện bỏ cuộc giữa chừng, phải kiên nhẫn theo đuổi, không ngại bị từ chối. Có những trường hợp khách hàng không thèm nói chuyện nhưng vẫn phải theo, có những trường hợp mất nhiều năm theo đuổi mới có thể làm ăn với nhau.
Chính vì tính cá nhân như thế, mỗi broker có phong cách riêng và không ai giống ai. Broker là một nghề không thể học từ sách mà rất cần thực tế cọ xát.
Trong quá khứ, broker có lợi thế rất lớn khi nắm được thông tin. Giờ đây, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, lợi thế đó đã bị mất đi nhiều. Song, suy cho cùng, vẫn cần có broker ngồi đâu đó để nói chuyện với các bên. Sự thất bại của Internet broking là một minh chứng cho sự quan trọng không thể thiếu của broker.
Theo HOÀNG DƯƠNG - Lao động