Bằng cấp có quan trọng?
Trên thực tế, có rất nhiều đầu bếp giỏi, nổi tiếng trong nghề không phải vì bằng cấp mà chỉ từ cơ duyên, ý chí phấn đấu không ngừng và bằng trái tim đầy đam mê với nghề. Những người này thường bắt đầu bằng công việc phụ bếp (nhặt rau, rửa bát, phụ việc...) trong nhà hàng, chăm chỉ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Cơ hội sẽ thực sự đến với những người cầu tiến. Tuy nhiên, với nhu cầu "nóng", cần những người thích ứng ngay với công việc như hiện nay thì nếu được đào tạo bài bản qua các trường lớp dạy nấu ăn sẽ là ưu thế, giúp bạn nhanh chóng có các vị trí.
Để có được đầu bếp thạo việc, các khách sạn, nhà hàng lớn vẫn chấp nhận tuyển dụng sau đó đào tạo thêm. Theo kinh nghiệm của Đỗ Công Nguyên - nhân viên bếp khách sạn Hilton Hà Nội: Yêu cầu đầu tiên là phải biết nghề, thêm nữa là vốn ngoại ngữ. Đây vừa là điều kiện vừa là lợi thế giúp bạn nhanh chóng tìm được công việc ưng ý.
Nhu cầu tăng mạnh
Nhu cầu tuyển dụng vị trí làm bếp và phục vụ khách sạn, nhà hàng ngày càng tăng. Theo thầy Trịnh Cao Khải - Trưởng khoa Quản trị - Chế biến món ăn (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội), hiện mỗi năm trường đào tạo khoảng 2.000 học sinh cả 3 hệ, trong đó hệ trung cấp nghề khoảng 1.000 học viên, hệ trung học chuyên nghiệp khoảng 600-700, hệ cao đẳng là 100 và lớp sơ cấp nghề khoảng 200.
Ngoài cao đẳng du lịch, Hà Nội có rất nhiều cơ sở đào tạo nghề nhưng với nhiều mô hình kinh doanh đua nhau mở rộng và hình thành nên học viên ra trường rất dễ có cơ hội tìm kiếm việc làm. Cũng theo thầy Khải, nghề này có tính ổn định, tuổi thọ cao, càng làm việc nhiều thì giá trị nghề nghiệp càng cao và so với nhiều ngành nghề khác, mức thu nhập cũng cao hơn bởi hầu hết đã được bao ăn uống tại nhà hàng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phòng nhân sự một số khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội cho biết: Luôn có nhu cầu tuyển nhân viên bếp kể cả lao động có tay nghề, bằng cấp, sau đó sẽ đào tạo thêm. Do đó cơ hội cho những người theo học nghề này rất lớn. Ngoài ra, hiện nhu cầu về XKLĐ ngành nghề này cũng đang có xu hướng tăng, nhất là từ một số nước Trung Đông và rất nhiều kiều bào ta ở nước ngoài mở nhà hàng, khách sạn có nhu cầu thuê người Việt sang làm việc.
Nhà tuyển dụng cần gì?
Ông Phạm Hữu Thanh - Giám đốc nhân sự khách sạn Melia Hà Nội cho biết: "Trừ những vị trí quan trọng, những bạn đã học qua trường nghề chúng tôi đều tuyển không quá khắt khe. Có chuyên môn về bếp và vốn ngoại ngữ giao tiếp chuyên ngành là yêu cầu tối thiểu. Qua một năm làm phụ bếp, nếu chăm chỉ học tập, thực hành để chứng tỏ tay nghề, các bạn sẽ được lên làm chính".
Bà Nguyễn Thị Bích - Bếp phó nhà hàng Bobby Chinn (số 1 Bà Triệu, Hà Nội) chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài và khách của các khách sạn lớn - nhận định: Đây là một trong những ngành SV học xong dễ và nhanh kiếm được việc làm nhất. Điểm yếu nhất của các bạn theo nghề này là vốn tiếng Anh còn hạn chế mà thường những nhà hàng Âu thì yêu cầu rất cao về điểm này. Vi vậy, bên cạnh học nghề, các bạn trẻ cần chú trọng việc trau dồi vốn kiến thức ngoại ngữ.
Để trở thành bếp trưởng, cần có những kỹ năng nào? - Kỹ năng sáng tạo: Không nhất thiết phải tuân thủ các công thức. Điều này thì dù có kinh nghiệm và bằng cấp cũng không thể làm được. - Kỹ năng quản lý: Chịu trách nhiệm lãnh đạo đội ngũ đầu bếp. - Kỹ năng cá nhân: Khả năng tuyển dụng và tạo hứng thú làm việc cho nhân viên. - Kỹ năng tổ chức: Lập các bảng phân công nhiệm vụ, giao hàng và lưu trữ thực phẩm. - Kỹ năng lập kế hoạch: Lập kế hoạch thực đơn và đảm bảo các món ăn thích hợp cho mọi thời điểm. - Kỹ năng tài chính: Có thể thương lượng giá cả và quản lý ngân sách. N.Lan st |
Theo LAN NGỌC - Lao động