VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Quản lý tài sản: giàu tiềm năng, khát nhân lực


Trong hệ thống nghề nghiệp ngành tài chính ngân hàng, QLTS là một lĩnh vực còn mới mẻ và chỉ thật sự được chú ý đến cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển cho ngành này là rất lớn khi hoạt động đầu tư tài chính dần đi vào chuyên nghiệp.

Nhiều cơ hội phát triển

Ngay từ đầu những năm 2000, một số ngân hàng đã thành lập công ty QLTS (AMC) nhằm xử lý tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu. Từ cuối năm 2006, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, một loạt các công ty quản lý quĩ, AMC trong nước và liên doanh với nước ngoài ra đời, hoạt động chủ yếu tại hai trung tâm lớn Hà Nội và TP.HCM. Một số đại gia như Prudential, Mirae Asset cũng đã nhảy vào thị trường dịch vụ QLTS ở Việt Nam.

Năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến những đợt "phá đáy", giá cổ phiếu niêm yết đồng loạt sụt giảm, có khi mất tới 50% giá trị. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, qua đợt điều chỉnh sâu này, hoạt động đầu tư tài chính sẽ từng bước chuyên nghiệp hóa. Các nhà đầu tư sẽ cần tới những tổ chức chuyên nghiệp giúp họ nâng cao lợi nhuận của những khoản đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều AMC thuộc các ngân hàng sau khi hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của mình cũng chuyển đổi chức năng hoạt động. Điều này hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động QLTS trong tương lai không xa.

Nhân lực: khát

Ngành tài chính ngân hàng đang thiếu nhân lực trầm trọng. Đối với QLTS, sự thiếu hụt này càng được thể hiện rõ do đây là một lĩnh vực hết sức mới mẻ tại VN. Do chưa trường lớp nào tại Việt Nam đào tạo về QLTS nên nhân lực cho lĩnh vực này hiện chủ yếu là những người đã từng du học tại những nước có ngành tài chính ngân hàng phát triển. Số này không lớn trong lực lượng nhân sự ngành tài chính ngân hàng.

Theo anh Nguyễn Lê Giang, chuyên viên QLTS và đầu tư tài chính công ty cổ phần QLTS & đầu tư Việt Nam (VIAM), một trong những nguyên nhân khiến ngành này đang khát nhân lực là do mỗi công ty xây dựng cho mình một qui trình riêng về QLTS căn cứ theo tính chất tài sản mà công ty quản lý. Nhu cầu nhân sự vì thế rất khác nhau. Mặt khác, thời gian vừa qua, nhiều công ty QLTS mới ra đời cũng rất cần nhân lực.

Yêu cầu đối với một chuyên viên QLTS khá cao, ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng về tài chính ngân hàng là những hiểu biết tổng hợp về tình hình kinh tế xã hội, kỹ năng tính toán chuẩn xác. Bên cạnh đó là trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và thuyết phục tốt. Ngoài ra là kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, bất động sản... Những nhân lực như vậy đang là "của hiếm" không chỉ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Để giải quyết bài toán nhân lực, các công ty một mặt liên tục đăng thông tin tuyển dụng, mặt khác không ngừng tiếp nhận các sinh viên thực tập đến từ các trường đào tạo về tài chính ngân hàng như Học viện Ngân hàng, Đại học KTQD, Đại học Ngoại thương. Sinh viên thực tập, các nhân viên mới khi vào công ty sẽ được đào tạo những nghiệp vụ QLTS cơ bản thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó, họ được những chuyên viên QLTS đi trước có kinh nghiệm hướng dẫn, đào tạo thêm trong quá trình làm việc. Kết thúc quá trình thử việc hay thực tập, những người xuất sắc nhất sẽ được giữ lại làm việc.

Theo DƯƠNG NGUYỄN - Lao Động