Dưới đây là 6 lời khuyên giúp bạn tạo bước nhảy thành công cho sự nghiệp mới:
Đánh giá lại thực trạng hiện tại
Trước khi dốc toàn sức cho cơ hội tiếp theo của mình, hãy đánh giá tình trạng hiện tại của bạn và đảm bảo rằng thay đổi công việc là một con đường đúng. Bạn có cảm thấy không hạnh phúc với công việc hiện tại hay loại hình công việc đang thực hiện? Bạn thấy thất vọng vì sự thiếu sót của công ty trong việc ghi nhận đóng góp của bạn và những mập mờ của quá trình thăng tiến? Hoặc bạn cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để mình theo đuổi cảm xúc, ước mơ nghề nghiệp thực sự của mình?
Hãy tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên và chắc chắn về động lực của mình trước khi đưa ra quyết định.
Thực hiện một cuộc nghiên cứu nhỏ
Nếu cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, bạn sẽ cho rằng bất cứ một sự thay đổi ngay lập tức nào cũng sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng bởi một quyết định chóng vánh có thể khiến bạn thụt lùi. Ví dụ bạn có thể vội vàng quyết định chuyển sang một ngành không có tiềm năng và không phát triển các kỹ năng của mình.
Để thành công, bạn cần có sự chuẩn bị. Hãy đọc các thông tin thương mại, thực hiện nghiên cứu online và nói chuyện với mọi người trong mạng lưới quan hệ để có cái nhìn khái quát hơn về lĩnh vực bạn muốn theo đuổi cũng như các khía cạnh của nó. Phân tích tất cả rào cản tiềm năng bạn phải vượt qua, chẳng hạn bạn có phải đào tạo thêm hoặc đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hay không?
Tìm kiếm lời khuyên
Hãy cố gắng sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp với ai đó làm việc trong lĩnh vực hoặc vị trí bạn quan tâm để có thêm thông tin cần thiết. Nếu không biết người nào như vậy, bạn có thể nhờ những người trong mạng lưới quan hệ của mình.
Một khi bạn xác định được đúng người, hãy liên lạc với anh/cô ấy để sắp xếp một cuộc phỏng vấn thông tin. Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu những gì đang diễn ra gần đây trong lĩnh vực mình hứng thú và xây dựng tầm nhìn tổng quát về quá trình tuyển dụng. Hãy hỏi họ mọi việc liên quan, từ cách bắt đầu sự nghiệp cho đến những thách thức mà bạn có thể phải đối mặt, sau đó xin lời khuyên từ họ.
Đánh giá bản thân
Ngay khi xác định được những cơ hội tiềm năng, hãy đánh giá kỹ năng, kinh nghiệm và các phẩm chất hiện tại của bạn. Nếu nắm vững những kỹ năng có tính ứng dụng đa dạng như kỹ năng giao tiếp, quản lý, lãnh đạo, bạn càng có khả năng thích nghi nhanh với môi trường mới. Đồng thời hãy cân nhắc những khía cạnh khác của bản thân cần cải thiện và phát triển. Bạn cũng có thể dành thời gian để theo đuổi các khóa học thích hợp với ngành nghề mình thích.
Từng bước chuyển đổi
Trước khi vội vàng "nhảy" sang lĩnh vực mới, hãy tìm kiếm các cơ hội để thử sức và kiểm tra bản thân. Tùy vào từng lĩnh vực, bạn có thể tham gia làm việc tình nguyện hoặc công việc tạm thời để quyết định lĩnh vực mới có thực sự phù hợp với mình hay không.
Cân nhắc lại
Sau khi trải qua 5 bước trên, bạn có thấy thay đổi lĩnh vực là một lựa chọn đúng đắn? Nếu vẫn tiếp tục theo đuổi, hãy kiên trì bởi quá trình chuyển đổi không diễn ra trong một sớm một chiều. Ngoài ra, bạn còn phải bắt đầu công việc từ một vị trí thấp để tích lũy kinh nghiệm.
VŨ HUYỀN (Theo CB)