Giữa tháng 12 vừa qua hãng Adobe đã cho ra mắt bản Photoshop CS3 beta. Thoạt đầu nhìn các icon mới có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đây là một phiên bản mới thật sự với những khả năng có thể nói là thật diệu kỳ. Download bản dùng thử chương trình tại trang www.adobe.com (lưu ý bạn phải đăng ký thành viên).
1. Giao diện mới
Hầu như bạn hoàn toàn có thể tùy chỉnh giao diện cho CS3. Điều đầu tiên bạn bắt gặp là thanh công cụ chỉ có 1 cột. Có thể bạn sẽ hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng bạn có thể quay trở lại thanh công cụ 2 cột quen thuộc chỉ cần bấm lên nút >> trên góc trái của thanh công cụ.
Sự thay đổi giao diện lớn khác là các Palette Scheme. Một lần nữa CS3 giúp làm giảm bớt việc chiếm hữu không gian làm việc của các Palette Scheme, làm cho vùng làm việc rộng rãi hơn. Với giao diện mới này, bạn chỉ bung các Palette Scheme khi cần (Expand Dock), còn khi làm việc bạn có thể thu nó lại để giải phóng khoảng trống (Collapse to Icons).
Nếu bạn có ý định quay lại giao diện kiểu cũ, hãy kéo thả các palette ở bất kỳ đâu trên màn hình. Bạn cũng có thể chuyển qua lại các chế độ sau bằng phím tắt F: Standard (tiêu chuẩn), Maximized (cực đại), Full screen with menu (toàn màn hình với menu) và Full screen without Menu (toàn màn hình không có menu).
2. Quick Select Tool
Một công cụ mới trong nhóm công cụ chọn, đó là Quick Select Tool. Khi bạn muốn tạo nhanh một vùng chọn để ghép hay tạo mặt nạ, đừng vội chộp lấy công cụ Magnetic Lasso nữa. Hãy bấm chọn và rê thả với công cụ Quick Selection Tool để xem các vùng của hình được chọn xuất hiện như thế nào, tiếp tục bấm lên một vùng chọn khác, vùng chọn ban đầu sẽ tăng lên bao luôn cả vùng này. Để bỏ đi vùng đã chọn chỉ cần bấm giữ phím Alt và bấm chuột lên vùng cần bỏ. Thanh công cụ còn cung cấp thêm các tùy chọn bao gồm New selection (tạo một vùng chọn mới), Add to selection (mở rộng vùng chọn), và Subtract from selection (loại bỏ khỏi vùng chọn).
3. Refine Edges
Tính năng mới này cho phép bạn tinh chỉnh để vùng được chọn thêm hoàn thiện, giúp loại bỏ những cạnh thừa, những vùng lởm chởm, các quầng và bóng mờ. Refine Edges bao gồm các mục điều chỉnh sau: Radius (viền ngoài), Contrast (độ tương phản), Smooth (độ mượt mà của cạnh), Feather (làm dịu viền) và Contract/Expand (rút gọn, nới rộng cạnh của vùng chọn). Ngoài ra Refine Edges còn cung cấp thêm 5 chế độ chọn: Standard, Quick Mask, On Black, On White và Mask. Bạn cũng có thể bấm phím tắt F để chuyển qua lại các chế độ và bấm X để tạm thời xem lại ảnh gốc. Với Quick Mask, bạn có thể bấm đúp chuột để thay đổi các tùy chọn của chế độ này.
4. Clone Source
Clone Source là tính năng mới hết sức tuyệt vời của CS3. Với một nguồn nhân bản (Clone Source) bạn có thể tạo thành nhiều bản theo mục đích riêng với kích thước và góc độ khác nhau. Nguồn nhân bản này có thể lấy cùng một ảnh hay từ các ảnh khác.
Trình tự như sau: Tước tiên bạn hãy bấm chọn công cụ Clone Stamp Tool > Expand Dock > Clone Source. Clone Source cho phép bạn chọn tối đa là 5 source (bạn cũng có thể làm được nhiều source hơn bằng một mẹo nhỏ là lưu lại kết quả của 5 source đầu rồi mở lại tiếp tục với 5 source khác). Tiếp theo bạn hãy bấm vào Source 1 và di chuyển đến hình a, giữ phím Alt và bấm lên hình a để xác định source. Quay trở lại hình b vào hộp thoại Clone Source. Bấm chọn Show Overlay để xem trước tọa độ, góc độ và cũng như kích thước của kết quả. Trong hộp thoại Clone Source bạn có thể nhập vào tọa độ (Offset), độ rộng (W), độ cao (H) và góc cho hình nhân bản. Khi đã ưng ý bạn chỉ việc quét chuột quanh vùng tọa độ đã chọn để thực thi nhân bản. Bạn hãy làm tương tự với Source 2, 3, 4 và 5. Bây giờ bạn đã có hình c.
5. Smart Filters
Từ trước đến giờ, History của Photoshop có giới hạn, do đó đôi khi bạn muốn hoàn tác vụ đến một trạng thái ban đầu nào đó nhưng chương trình không đáp ứng được. Để giải quyết vấn đề này, CS3 đã thêm vào tính năng Smart Filters. Bây giờ bạn có thể chạy thử nhiều filter thoải mái mà không lo gây hại đến độ phân giải và dữ liệu hình ảnh. Thậm chí bạn có thể xóa filter đã áp dụng để vô hiệu hóa nó.
Mở Smart Filters bằng cách chọn Convert for Smart Filters từ trình đơn Filter. Bấm OK trong hộp thoại xuất hiện. Chọn bất kỳ filter nào và bấm OK và bạn sẽ thấy một mặt nạ hiệu ứng xuất hiện trên Layer. Để thay đổi, bạn dùng công cụ Pencil Tool (hay Paint Bucket Tool), chọn màu đen để tô lên vùng bạn không cần áp dụng filter và chọn màu trắng để tô những vùng muốn thực thi filter.
Một điểm tuyệt vời khác là bạn có thể bật / tắt tất cả các filter đã thực thi trên ảnh (bằng cách chọn icon visibility trên layer palette). Như thế bạn có thể áp dụng nhiều kiểu filter một lúc và so sánh chọn ra một filter phù hợp nhất với ảnh. Điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến ảnh gốc vì bạn có thể quay lại ảnh gốc bất cứ khi nào bạn muốn, chỉ cần chọn visibility tất cả các filter. Bạn cũng có thể điều chỉnh các thiết đặt filter bằng cách bấm đúp lên icon bên phải của filter được liệt kê trong layer palette.
6. Vanishing Point 2
Trong Photoshop CS2, filter Vanishing Point đã được giới thiệu. Trong CS3, Vanishing Point đã được phát triển, nó không còn bị hạn chế khi chỉ thêm vào một mặt phẳng 90 độ mà bạn có thể tạo nhiều mặt phẳng phối cảnh với nhiều góc độ khác nhau. Thật tuyệt vời và dễ dàng để tạo ra các minh họa về không gian.
Để bắt đầu, hãy mở một hình và copy nó sang một layer mới. Bấm chọn layer này và chọn Filter > Vanishing Point. Dùng công cụ Create Plane bấm chọn 4 góc để tạo một mặt khối. Chú ý rằng mặt phẳng sẽ đúng nếu lưới có màu xanh. Nếu lưới không phải màu xanh hãy dùng công cụ Edit Plane để chỉnh lại các góc. Bây giờ tới phần quan trọng: giữ phím Ctrl, bấm vào điểm giữa cạnh của mặt gốc và kéo rê ra. Nó sẽ tạo thêm một mặt khối từ mặt gốc. Bạn có thể thay đổi góc độ của mặt phẳng tùy theo ý mình.
Bây giờ hãy bấm Marque Tool, rê và kéo chuột chọn đối tượng cần dán vào vùng Vanishing Point. Bạn nên nhớ chọn chế độ Heal ở “On”. [Mẹo: nên thu nhỏ đối tượng cần xử lý (ảnh đã copy) sao cho nhỏ hơn vùng Vanishing Point và đặt nó lọt vào vùng này, khi đó bạn sẽ chọn được toàn đối tượng]. Tiếp theo hãy bấm Transform Tool để thay đổi kích thước đối tượng cho vừa với vùng phối cảnh, sao cho hình bao quanh các mặt khối.
7. Auto-Align Layers
Auto-Align Layers cũng là một trong số các công cụ mới của CS3. Auto-Align Layers cho phép bạn tạo ra một ảnh bằng cách ghép nối từ nhiều mảnh khác. Dựa trên một công nghệ mới, CS3 phân tích các cạnh của ảnh và sắp xếp các layer lên nhau để các cạnh liền khít với nhau. Bạn có thể sử dụng tính năng này để tạo ra các ảnh toàn cảnh: đặt toàn bộ chúng vào các layer trong cùng một project, trong Layer Scheme bấm chọn tất cả layer, chạy Edit > Auto Align Layers. Các hình sẽ được uốn cong và duỗi cho khớp với nhau. Có 4 phương thức cho bạn lựa chọn: Auto (kiểu tự động), Perspective (kiểu phối cảnh), Cylindrical (kiểu hình trụ) hay Reposition (kiểu bố trí lại). Sau khi chạy Auto Align Layers bạn nên tiếp tục bấm Edit > Auto Blend Layers. Lệnh này sẽ tính toán độ mượt nhất để trộn các hình ảnh với nhau. Khi lệnh Auto-Blend hoàn tất, các mặt nạ layer sẽ được tạo ra để quản lý độ liền các cạnh và như thế bạn có thể tự ý thay đổi layer nếu bạn muốn. Các thiết đặt cũng sẽ được điều chỉnh để sắc điệu của các layer phù hợp. Cuối cùng bạn chỉ việc Crop lấy vùng hình thích hợp nhất...
Ngoài ra còn có những công cụ mới như: Adobe Bridge giúp hiệu chỉnh và quản lý các file và project, Black & White adjustment cho phép bạn điều chỉnh dựa trên thông tin chứa trong các giá trị RGB hoặc CMYK, Camera Raw giúp điều chỉnh ảnh dễ dàng, thay đổi trực tiếp kích thước ảnh khi in ấn, mở file PDF với các thông số chọn trước...
ĐÀO MINH THIÊN ÂN