VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Thu âm và lưu file video vào máy tính


Các thiết bị kết nối

Để đưa âm thanh từ một thiết bị phát âm vào máy tính, bạn cần một dây nối từ thiết bị đó đến máy tính. Phần lớn các thiết bị đều dùng ngõ cắm 3 ly (3 mm) để làm ngõ xuất hoặc nhận tín hiệu âm thanh nên bạn chỉ cần mua một sợi dây có 2 đầu cắm 3 ly là được. Nên mua loại có chiều dài 2 m hoặc 3 m để không bị lấn cấn các thiết bị khi thực hiện. Bên cạnh đó, một số thiết bị không dùng ngõ cắm 3 ly để xuất tín hiệu âm thanh mà dùng 1 ngõ cắm tròn nhô ra ngoài, nếu gặp trường hợp này, bạn mua sợi dây cáp có 2 đầu cắm: một đầu là loại 3 ly và một đầu là jack cắm bông sen. Một số thiết bị có âm thanh Hi-fi thì lại có đến 2 đầu cắm tròn để xuất âm, do vậy bạn phải mua sợi dây có 3 đầu cắm: 2 đầu jack cắm bông sen và 1 đầu 3 ly.

Để đưa hình ảnh vào máy tính thì cáp nối mới chỉ là điều kiện cần, còn làm sao để cổng nhận tín hiệu video mới là điều kiện đủ. Trước tiên, bạn kiểm tra xem trên card màn hình của mình có cổng Video in hay chưa; nếu không có và đang có nhu cầu xử lý phim ảnh hoặc chơi game, đồng thời trên mainboard có khe cắm card màn hình thì bạn kiểm tra khe cắm card màn hình để cần mua loại card màn hình AGP hoặc PCI Express. Còn nếu không có nhu cầu này, bạn có thể mua card tivi có ngõ cắm video in để cắm vào khe cắm PCI hoặc cổng USB, hoặc chuyên nghiệp hơn là “tậu” thiết bị bắt hình (capture) để cắm vào cổng USB của máy tính, giúp máy tính nhận các tín hiệu video, audio từ các thiết bị phát. Loại này thì giá của nó hơi đắt nhưng bù lại cho chất lượng hình ảnh cao hơn những loại khác. Cuối cùng, bạn mua sợi cáp nối có 2 hoặc 4 đầu cắm là jack bông sen hoặc đầu cắm 3 ly, hoặc vừa đầu cắm jack bông sen và vừa đầu 3 ly để kết nối các thiết bị lại với nhau.

Ngoài ra, một số thiết bị phát hình còn có ngõ cắm anten out để xuất âm thanh và hình ảnh. Khi đó, bạn cần trang bị sợi dây nối anten RF. Một số khác còn dùng dạng cổng S-Video để phát hoặc nhận tín hiệu hình và tiếng, tất nhiên là bạn cũng phải chuẩn bị cáp nối tương ứng với dạng cổng của các thiết bị cần kết nối. Khi đó, thiết bị lắp vào máy tính của bạn cũng phải có ngõ cắm RF in (anten in) hoặc S-Video in thì mới nhận được các tín hiệu truyền theo dạng cáp này.

Ở cả việc thu âm và ghi hình, ngoài các thiết bị kết nối và dây cáp, bạn cần cài vào máy tính một phần mềm có chức năng thu âm hoặc bắt hình để lưu âm thanh, hình ảnh truyền vào máy tính thành file âm thanh, video mở được trên máy tính.

Kết nối các thiết bị lại với nhau

Một khi đã trang bị đầy đủ các thiết bị kết nối, dây cáp và cài phần mềm cần dùng vào máy tính. Bạn dùng loại cáp tương ứng cắm vào ngõ audio out (ngõ cắm headphone cũng là ngõ audio out), video out của thiết bị phát hình và đầu còn lại của sợi dây cắm vào ngõ line in, video in của thiết bị trên máy tính. Chạy chương trình phần mềm cần dùng, mở thiết bị phát tiếng, hình và kích hoạt các chức năng trong chương trình phần mềm để nó nhận tín hiệu từ máy phát. Sau đó, tiếp tục điều chỉnh các thông số về màu sắc, ánh sáng, tần số để được hình ảnh sắc nét và âm thanh hay và lớn. Cuối cùng bấm nút Rec hoặc Capture để bắt đầu thu âm thanh, hình ảnh vào máy tính.

Tùy vào các thông số điều chỉnh trên chương trình phần mềm mà file thu được sẽ có kích thước lớn hoặc cực lớn. Do vậy, bạn cần dọn dẹp để được một ổ đĩa trống có dung lượng lớn cho việc lưu trữ các file thu được. Sau đó, bạn có thể dùng tiếp các chương trình cắt file âm thanh hoặc cắt hình, biên tập file audio, video thu được, thậm chí là tạo hiệu ứng cho chúng. Tuy nhiên, để làm được việc này, đòi hỏi máy tính của bạn phải có cấu hình mạnh (CPU tốc độ cao, card màn hình có dung lượng bộ nhớ lớn, RAM và đĩa cứng có dung lượng lớn...), nếu không đáp ứng được thì máy tính sẽ bị treo khi thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, khi thực hiện các công việc này, bạn nên định dạng đĩa cứng ở chế độ NTFS thay cho FAT32 để hình ảnh thu được không bị giựt, đồng thời tối ưu trong việc lưu trữ.

CAO KIẾN NAM