VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Đồ họa căn bản với Photoshop CS4: Layers (Phần 1)


Việc sử dụng layers giúp cho các bạn dễ dàng thay đổi bố cục khi ghép ảnh (composition); thao tác hoặc chỉnh sửa một layer mà không làm ảnh hưởng đến các layers khác; tạo ra các phiên bản đa dạng của ảnh ghép bằng cách sử dụng các chế độ hòa trộn layer (blending modes)… Những công việc này rất khó thực hiện hoặc gần như không thực hiện nổi với phiên bản Adobe Photoshop 2.5 trở về trước.

Kể từ Photoshop 3.0, các chức năng về layers luôn được hãng phần mềm Adobe cải tiến và phát triển cho các phiên bản sau như: 4.0, 5.0, 5.5, 6.0, 7.0, Photoshop CS, Photoshop CS2, Photoshop CS3 và hiện nay là Photoshop CS4.

I. Khái niệm về Layer

Background layer (lớp nền) là lớp dưới cùng của một hình ảnh thông thường. Layers là những lớp trong suốt được đặt lên trên nền background này. Các layers được xếp chồng lên nhau, và các bạn có thể nhìn thấy các lớp dưới tại những vị trí trong suốt (transparent) hoặc nửa trong suốt (semi-transparent) của layers.

Phần trong suốt của layers được thể hiện như các ô vuông trên bàn cờ vua (checkboard pattern).

Để thao tác với các layers, bạn chọn Window > Layers (hoặc nhấn phím F7) nhằm hiển thị Layer panel.

Có rất nhiều loại layers như:

- Background layer
- Type layers
- Image layers
- Layer masks
- Clipping masks
- Layer groups
- Layer effects
- Smart Object
- Adjusment layers
- Shape layers
- 3D layers
- Video layer

mà chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu.

II. Background layer

Thoạt đầu, một hình ảnh thông thường được quét từ máy quét ảnh (scanner) hoặc được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số (digital camera) thường chỉ có một lớp, đó là lớp nền (background layer).

Mặc nhiên, Background layer sẽ bị khóa (locked), nên bạn không thể dùng dời nó bằng công cụ Move  .

Tuy nhiên, bạn có thể nhấn giữ phím Alt và bấm đúp vào biểu tượng thu nhỏ (thumbnail) của Background layer trên Layers panel để đổi nó thành một layer thông thường (image layer) và mặc nhiên sẽ được đặt tên mới là Layer 0.

Nhấn giữ phím Alt, bấm đúp vào thumbnail của Background layer để đổi nó thành Layer 0

Sự khác nhau giữa lớp nền (Background layer) và layer thông thường (image layer):

1. Khác với các layer thông thường, bạn không thể thay đổi thứ tự xếp chồng (stacking order) cho background layer

2. Bạn không thể thay đổi độ đục (opacity) của background layer. Việc thay đổi opacity làm cho layer trở nên nửa trong suốt (semi-transparent) và bạn có thể nhìn thấy được hình ảnh của các layers bên dưới.

3. Bạn cũng không thể thay đổi chế độ hòa trộn layer (layer blending mode) cho background layer được. Khi ghép ảnh, việc thay đổi blending mode sẽ giúp cho khả năng sáng tạo của các bạn tăng lên rất nhiều.

4. Khi bạn dùng công cụ cục tẩy Eraser   để xóa một phần hình ảnh trên Background layer (hoặc vẽ một vùng chọn, rồi nhấn phím Delete) thì vùng hình ảnh đó sẽ được tô bằng màu background color. Cũng với động tác đó nhưng nếu thao tác trên layer thường, thì vùng hình ảnh bị xóa sẽ trở thành trong suốt.

- Ảnh trái: Vùng hình ảnh bị xóa được tô bằng màu background color
- Ảnh phải: Vùng hình ảnh bị xóa trở thành trong suốt

5. Khi dùng công cụ Move   để dời vùng chọn cùng với nội dung của nó trên Background layer và trên layer thông thường, bạn cũng có kết quả tương tự:

Dùng công cụ Move dời vùng chọn trên Background layer, vị trí cũ của vùng chọn sẽ được tô bằng màu background color

Dùng công cụ Move dời vùng chọn trên layer thông thường, vị trí cũ của vùng chọn sẽ trở nên trong suốt

III. Type Layer

Khi bạn dùng công cụ Type    để đánh chữ lên một cửa sổ hình ảnh thì trên Layers panel sẽ xuất hiện một layer mới. Layer mới sinh ra gọi là Type layer (layer chữ) sẽ chứa nội dung của văn bản mà bạn gõ vào. Layer này sẽ được đặt tên là các từ đầu tiên của nội dung gõ vào.

Khi bạn chọn công cụ Type   , trên thanh tùy chọn (options bar) sẽ xuất hiện các tùy chọn sau:

Phần trong suốt của Type layer mặc nhiên sẽ được bảo vệ (preserve transparency). Để có thể thao tác với phần trong suốt này, bạn cần đổi layer chữ thành layer thông thường bằng cách chọn: Layer > Rasterize > Type.

(còn tiếp)

GV. NGUYỄN KHOA CÁT
Công ty TNHH Khải Thiên (KTC Co., Ltd) – Trung Tâm Đào tạo