VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Bảo hành linh kiện máy tính - phần thiệt vẫn về phía khách hàng


Nếu là người sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt là các linh kiện máy tính, bạn không không lạ gì với việc “đem thiết bị đi bảo hành”. Có trường hợp, việc bảo hành diễn ra suôn sẻ, mau lẹ, chỉ trong vòng 5 - 10 phút. Nhưng cũng có trường hợp, bảo hành đến cả vài tháng vẫn chưa xong, thậm chí là đến khi tìm được nơi bảo hành thì thời hạn bảo hành đã hết!

Truy lùng cửa hàng bán linh kiện

Còn vài tháng nữa là máy tính của chị Dung giáp 3 năm, kể từ ngày được ông anh (nay đã qua đời) mua tặng. Nhưng sáng nay, vói tay bật công tắc điện, bấm nút Power trên thùng máy, một phút trôi qua, màn hình máy tính vẫn tối đen như đêm ba mươi! Chị cẩn thận tắt và mở lại nhiều lần nhưng tất cả đều vô ích. Chị nhấc điện thoại. Bấm số vội vã... Anh kỹ thuật viên sửa chữa máy tính của dịch vụ có mặt. Vài phút sau. Anh kỹ thuật viên trầm ngâm nói: “Máy bị hư mainboard rồi chị nhưng cái tem của nơi bán này có hai chữ KL lạ quá, em chưa gặp bao giờ, tuy nhiên để em tìm xem có ra không”. Trong suốt cả tuần sau đó, anh kỹ thuật viên hỏi bạn bè và đem đến nhiều cửa hàng có tên viết tắt thành KL nhưng tất cả đều lắc đầu ngoe ngẩy. Anh đem đến nhà phân phối, họ cũng từ chối nốt. Cuối cùng anh đem lại trung tâm bảo hành của nhãn hiệu mainboard mà anh đang cầm trên tay. Nhân viên của trung tâm bảo hành này hỏi: “Anh bảo hành cho ai?”. Anh kỹ thuật viên thật thà trả lời: “Cho tôi”. Thế là nhân viên bảo hành trả lại mainboard, chỉ vào tem bảo hành nói: “Anh đem đến nơi bán có địa chỉ... để bảo hành”. Anh kỹ thuật viên cãi lại: “Hai ngày trước, tôi đã đem đến công ty đó rồi nhưng họ nói tem này không phải của họ, mainboard này không phải do họ bán ra”. Nhân viên bảo hành “quát” lại: “Anh cứ đem đến đó. Tem này là của công ty đó. Ở đây chúng tôi không nhận bảo hành khách lẻ”. Thấy tội nghiệp, anh Quang, trưởng phòng bảo hành của công ty khác (cùng đi bảo hành) đứng ra nhận mainboard này, lấy cớ là hàng do công ty anh bán ra để bảo hành giùm. Anh kỹ thuật viên thấy ngại nên từ chối và hăm hở để đem mainboard trở lại công ty mà nhân viên trung tâm bảo hành nói lúc nãy. Gặp lại mấy nhân viên bảo hành của công ty KL mà anh đã đến cách đây 2 ngày. Họ lại từ chối và đưa tất cả các mẫu tem bảo hành của công ty ra cho anh kỹ thuật viên xem như để chứng minh rằng họ vô can. Thế là anh kỹ thuật viên lủi thủi ra về trong nỗi tuyệt vọng.

Ba ngày sau, cầu nối qua 2 người bạn, anh nhờ người bạn trong nhóm đem đến nhà phân phối để nhờ người quen của nhà phân phối bảo hành. Mười ngày sau, anh nhận lại mainboard và cảm ơn anh bạn rối rít. Anh thở phào nhẹ nhõm.

Trên đây là một trong số vô vàn những câu chuyện bảo hành mà chúng tôi nhận được hàng ngày. Một kết thúc chưa đến nỗi phải đi vào ngõ cụt để rồi vứt bỏ thiết bị vào sọt rác, bấm bụng lấy tiền đi mua cái khác, nhiều người không được may mắn như chị Dung là thế.

Lập lờ đánh lận “thượng đế”!

Hiện nay, khi mua thiết bị, nơi bán sẽ dán tem bảo hành lên một tem bảo hành khác của nhà phân phối (nơi cửa hàng mua thiết bị về bán), tem này cực kỳ mỏng manh và dễ rách nát, trên tem có logo hoặc chữ viết tắt của công ty, kèm những ô ghi ngày tháng mua đã được đánh dấu.

Nếu sơ ý làm rách tem, hoặc tem bị mờ theo năm tháng thì nơi bán sẽ từ chối bảo hành ngay, như để thoát hạn! Các tem bảo hành dán trên đĩa flash USB, máy nghe nhạc MP3, MP4... thường mắc phải tròng này.

Ngay cả trường hợp tem vẫn còn rõ, không bị gì nhưng rủi thay “thượng đế” không nhớ nơi bán, hoặc là loại thiết bị được tặng trong dịp sinh nhật, hoặc người mua đã xấu số ra đi... thì cũng chẳng làm gì được, bởi trên tem bảo hành không có ghi địa chỉ cửa hàng bán.

Một số nơi còn dùng chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh, giảm thời gian bảo hành để giảm giá sản phẩm. Chẳng hạn, cũng với đĩa cứng nhãn hiệu X nhưng có cửa hàng bán thấp hơn đến 5 USD với thời gian bảo hành chỉ có 2 năm, thay vì 3 năm. Để làm được điều này, họ mua hàng không qua nhà phân phối (tự nhập hàng, bán và tự bảo hành) hoặc thỏa thuận với nhà phân phối để giảm thời hạn bảo hành nhằm mua với giá thấp hơn. Thực tế, một số nhà phân phối “lom com” đã chấp nhận thỏa thuận của cửa hàng nhưng lại “quên” đổi tem bảo hành đúng hạng, thế là khi thiết bị xảy ra sự cố, khách hàng đành chấp nhận vì đã trót mua hàng giá rẻ.

Chính sách bảo hành của các công ty

Ở thời điểm hiện tại, còn một số ít trung tâm bảo hành của các công ty chỉ nhận bảo hành thiết bị từ các cửa hàng, đại lý bán ra mà không nhận bảo hành từ khách lẻ. Trong số này, có trung tâm bảo hành Asus, họ chỉ nhận bảo hành các sản phẩm mang nhãn hiệu Asus từ các cửa hàng, còn khách lẻ thì xin miễn! Tuy nhiên, chưa đến nỗi quá cứng, khi mà họ vẫn nhận bảo hành các sản phẩm nhãn hiệu Asus mà khách hàng đã mua ở những cửa hàng đã bị giải thể.

Còn lại, đa số các sản phẩm mang nhãn hiệu Gigabyte, Seagate, D-Link, Western Digital, ECS, Samsung... đều được các trung tâm bảo hành của các sản phẩm này nhận bảo hành trực tiếp từ khách lẻ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ thực hiện điều này khi trên sản phẩm có tem hoặc dấu hiệu nhận biết của họ và đồng thời khách hàng phải chấp nhận bảo hành theo thời điểm từ lúc họ bán sản phẩm cho cửa hàng mà khách hàng đã mua. Điển hình, công ty Viễn Sơn sẽ nhận bảo hành các sản phẩm có tem của Viễn Sơn, mang nhãn hiệu Gigabyte, Kingmax và một số sản phẩm khác do công ty này phân phối. Hoặc công ty Tân Doanh với đĩa cứng Seagate bảo hành 5 năm, đĩa cứng Western Digital, thiết bị mạng nhãn hiệu D-Link có dán tem EaTech, TDT, Tân Doanh. Trung tâm bảo hành FPT với đĩa cứng Samsung có tem của FPT. Công ty Gia Tín (trước đây là Đỉnh Thu) bảo hành sản phẩm nhãn hiệu ECS. Công ty Á Đông Vina bảo hành đĩa cứng Maxtor có tem của Á Đông Vina hoặc tem của Công ty Ách Chủ... Khi nhận bảo hành cho khách lẻ, ngoài việc bảo hành theo thời gian bán sản phẩm cho cửa hàng, một số trung tâm bảo hành này có thể phải yêu cầu khách tự xé tem bảo hành của cửa hàng bán để không phải gánh họa vào thân, hoặc cũng có nơi căn cứ vào mã vạch để xác định thời điểm bán lô hàng mà không cần phải yêu cầu khách hàng xé tem nơi bán.

Việc bảo hành trực tiếp sản phẩm ở nhà phân phối sẽ nhanh hơn đem đến nơi bán để bảo hành, tuy nhiên khi đó khách hàng sẽ bị mất một khoảng thời gian bảo hành đúng bằng thời gian mà sản phẩm nằm trong kho của nơi bán. Có khá nhiều trường hợp thời gian bảo hành ở nơi bán thì còn nhưng nhà phân phối từ chối bảo hành vì tem bảo hành của họ bán cho cửa hàng đã hết hạn.

Trên đây chỉ là những vấn đề thường gặp khi đi bảo hành, thực tế còn nhiều trường hợp éo le hơn, gian truân hơn và phần thiệt hại vẫn nghiêng về phía khách hàng nhiều hơn. Thôi thì, khi sản phẩm đang còn hoạt động tốt, hãy mong sao để chúng sẽ hoạt động bền bỉ theo thời gian!

TÔN GIA QUYỀN