VIET ARROW

Luôn đồng hành cùng quý khách

(84-28) 3 9209 353

Các thiết bị chắp cánh cho điện thoại di động


Với một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) có sẵn, bạn có thể gia tăng thêm sức mạnh hoặc khai thác hết tính năng của nó nếu có thêm một số phụ kiện để kết nối nó với máy tính hoặc các thiết bị khác. Khi đó, việc dùng ĐTDĐ của bạn không chỉ dừng lại ở các tính năng nghe, gọi và nhắn tin.

Cáp kết nối với máy tính

Khoảng 2 năm gần đây, đa số các loại ĐTDĐ mới bán ra thị trường thường có kết nối hồng ngoại, bluetooth hoặc khe cắm thẻ nhớ nên loại cáp dùng để kết nối ĐTDĐ với máy tính không còn phổ dụng như trước đó nữa. Bạn có thể hỏi mua loại cáp dùng cho loại ĐTDĐ đang dùng ở các cửa hàng bán phụ kiện ĐTDĐ hoặc bán ĐTDĐ. Đa số là loại cáp có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá khoảng từ vài chục nghìn đến một trăm nghìn đồng, tùy loại. Một số nơi có bán loại cáp chính hãng nhưng giá khá mắc, trên 200.000 đồng.

Nếu dùng cáp để kết nối ĐTDĐ với máy tính, bạn phải nhọc công cài driver cho cáp và driver cho ĐTDĐ đang dùng. Một số loại cáp có đĩa CD driver kèm theo chứa driver của nhiều dòng ĐTDĐ phổ biến, nên bạn chỉ việc cắm cáp vào ĐTDĐ là quá trình cài driver cho nó được thực hiện tự động. Ngược lại, bạn phải truy cập vào trang web của hãng sản xuất ĐTDĐ để tìm driver, hoặc tìm ở các diễn đàn trên mạng Internet; tuy nhiên, việc làm này cũng khá gian nan và có thể bế tắc!

Khi kết nối ĐTDĐ với máy tính bằng cáp không chính hãng, các phần mềm hỗ trợ môi trường giao tiếp giữa máy tính và điện thoại của hãng sản xuất ĐTDĐ thường không nhận ra ĐTDĐ hoặc nhận không đầy đủ các tính năng của ĐTDĐ.

Do vậy, nếu ĐTDĐ có kết nối hồng ngoại hoặc bluetooth, bạn hãy thêm vài chục nghìn đồng nữa để mua cổng hồng ngoại, bluetooth để giảm đi sự cực nhọc khi thực hiện kết nối ĐTDĐ với máy tính.

Cổng hồng ngoại

So với cáp kết nối, thao tác thực hiện kết nối cổng hồng ngoại với máy tính dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kết nối cũng không bỏ qua được phần việc tìm và cài đặt driver cho chính cổng hồng ngoại và ĐTDĐ đang kết nối. Tất nhiên, trước khi cài đặt kết nối, bạn cần bật tính năng hồng ngoại ở ĐTDĐ cần kết nối. Phần lớn các dòng ĐTDĐ đời cũ đều có cổng hồng ngoại.

Một khi kết nối được ĐTDĐ với máy tính, bạn có thể chạy phần mềm tạo môi trường giao tiếp giữa ĐTDĐ với máy tính để truy xuất các tính năng của ĐTDĐ.

Cổng bluetooth

Hiện nay, các loại ĐTDĐ đời mới thường bỏ cổng hồng ngoại và thay vào đó là cổng bluetooth, mặc dù vẫn giữ nguyên ngõ kết nối bằng cáp. Hơn hẳn 2 kết nối trên, việc kết nối ĐTDĐ với máy tính bằng cổng bluetooth được thực hiện khá dễ dàng, không cần phải cài đặt driver gì cả. Bạn chỉ việc cắm cổng bluetooth (giá khoảng từ 100.000 - 200.000 đồng) vào cổng USB của máy tính là có thể gửi và nhận file từ ĐTDĐ đến máy tính và ngược lại. Hoặc chạy chương trình tạo môi trường giao tiếp giữa máy tính với ĐTDĐ để khai thác, điều chỉnh các tính năng của ĐTDĐ.

Bằng việc kết nối ĐTDĐ với máy tính qua thiết bị kết nối, bạn có thể cài thêm các phần mềm vào ĐTDĐ để khai thác hết tính năng của ĐTDĐ, hoặc nhanh chóng xóa bỏ, di chuyển những file từ ĐTDĐ vào máy tính và ngược lại. Chuyên sâu hơn nữa là cài lại toàn bộ phần mềm điều khiển ĐTDĐ.

Thẻ nhớ

Thiết bị này sẽ giúp bạn sao chép file từ máy tính sang ĐTDĐ mà không phải thực hiện các kết nối như trên. Để sử dụng thẻ nhớ, nếu là máy tính để bàn, bạn thường phải mua đầu đọc thẻ nhớ (trừ một số loại máy tính để bàn của các hãng HP, Acer... tích hợp sẵn một số loại khe cắm thẻ nhớ). Vì không kết nối trực tiếp giữa ĐTDĐ và máy tính nên bạn không thể điều chỉnh các tính năng của ĐTDĐ từ máy tính mà phải chép phần mềm vào thẻ nhớ rồi lắp nó trở lại vào ĐTDĐ để cài đặt.

Kết nối wifi

Kết nối này chỉ có ở các dòng ĐTDĐ đắt tiền. Tương tự như kết nối wifi ở laptop, sau khi dò và kết nối wifi cho ĐTDĐ, bạn có thể chạy trình duyệt web mini được cài đặt trên ĐTDĐ để truy cập các trang web, download file như trên laptop. Tuy nhiên, tính năng kết nối wifi sẽ “ngốn” sạch pin ĐTDĐ trong một khoảng thời gian ngắn. Để sử dụng kết nối wifi, bạn phải tìm nơi có sóng Internet không dây hoặc lắp thiết bị phát sóng Internet không dây từ đường truyền Internet.

Kết nối GPRS

Đa số các loại ĐTDĐ đời mới đều có kết nối GPRS. Tuy nhiên, để sử dụng kết nối này, bạn phải kích hoạt tính năng GPRS ở nhà cung cấp dịch vụ di động đang dùng. Bạn có thể gọi đến tổng đài hỗ trợ khách hàng hoặc truy cập trang web của mạng di động đang dùng để biết cách thiết lập kết nối GPRS cho ĐTDĐ (xem LBVMVT số 130).

Kết nối GPRS có tốc độ truyền tải dữ liệu chậm nhưng chi phí (tính theo lưu lượng KB đã sử dụng) thì không rẻ và điện thoại cũng mau hết pin. Một khi kết nối được GPRS, bạn có thể gửi được tin nhắn có hình, tiếng nói, email hoặc dùng trình duyệt web mini để truy cập các trang web.

Tai nghe

Trong một số trường hợp, nếu không thể áp ĐTDĐ vào tai để thực hiện cuộc gọi, bạn có thể dùng tai nghe. Tai nghe thường kèm theo lúc mua ĐTDĐ nhưng chúng không hề giống nhau, mỗi hãng thường có thiết kế đầu cắm tai nghe khác nhau nên khó mà dùng chung được. Loại tai nghe có đầu cắm khác headphone sẽ tích hợp micro để bạn thực hiện cuộc gọi.

Ngoài loại tai nghe có dây, bạn có thể mua loại tai nghe không dây giao tiếp qua cổng bluetooth, chỉ dùng được ở ĐTDĐ có cổng bluetooth. Loại tai nghe bluetooth khá mắc, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Sau lần thiết lập đầu tiên để ĐTDĐ và tai nghe bluetooth “hiểu” nhau, bạn chỉ cần sạc đầy pin cho tai nghe bluetooth rồi móc vào vành tai là thực hiện được cuộc gọi.

TÔN GIA QUYỀN